Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 6 tháng đầu năm 2023 về chuyển đổi số và Đề án 06

Ngày 12/7, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 6 tháng đầu năm 2023 về chuyển đổi số và Đề án 06 (Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030).

Cùng dự hội nghị có các đồng chí: Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Tổ trưởng Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ; các đồng chí Ủy viên BCH Trung ương Đảng: Trần Hồng Hà, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số; Trần Văn Sơn, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ...

                                                                                             Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu của tỉnh

Dự hội nghị tại điểm cầu Hưng Yên có các đồng chí: Trần Quốc Văn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh, Tổ trưởng Tổ công tác triển khai Đề án 06 tỉnh; Nguyễn Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh; Đại tá Nguyễn Thanh Trường, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh.

 

Theo báo cáo tại hội nghị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã quyết tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thiện thể chế nhằm tạo lập hành lang pháp lý giúp kiến tạo sự phát triển trên không gian số, giải quyết các vấn đề phát sinh từ thực tiễn chuyển đổi số, giải quyết các “điểm nghẽn” nhằm thúc đẩy chuyển đổi số nhanh tại Việt Nam. Trong 6 tháng đầu năm 2023, đã có 1 luật, 1 nghị định, 2 chỉ thị, 1 công điện, 7 nghị quyết, 11 thông báo kết luận của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ được ban hành. Công tác chuyển đổi số và triển khai Đề án 06 đạt được nhiều kết quả tích cực trong nhận thức và hành động; trong hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, tạo môi trường pháp lý thuận lợi; phát triển hạ tầng số, các nền tảng số, cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia, nhất là CSDL quốc gia về dân cư; dịch vụ công trực tuyến; an toàn, an ninh thông tin; phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số; phát triển kinh tế số, xã hội số.

Đến tháng 6/2023, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối chính thức với 13 bộ, ngành, 4 doanh nghiệp và 63/63 địa phương để phục vụ khai thác thông tin dân cư. Đã tiếp nhận hơn 1 tỷ yêu cầu để tra cứu, xác thực thông tin công dân. Đến hết ngày 30/6/2023, có 33 bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố hoàn thành kết nối và đồng bộ dữ liệu với CSDL quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức, trong đó, 7 bộ, ngành và 48 địa phương đồng bộ dữ liệu đạt 100%. Đến tháng 6/2023, có 69/179 chế độ báo cáo được tích hợp hoặc nhập dữ liệu trực tiếp trên Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ. Mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước kết nối 4 cấp hành chính tiếp tục được phát triển, tạo hạ tầng truyền dẫn ổn định, an toàn kết nối các hệ thống thông tin phục vụ Chính phủ số. Đến nay, mạng truyền số liệu chuyên dùng đã kết nối đến 100% đơn vị cấp huyện, xã trên toàn quốc.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến theo hướng toàn trình quy định tại Nghị định số 42/2022/NĐ-CP ngày 24/6/2022 của Chính phủ quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng. Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến toàn trình trên tổng số dịch vụ công đủ điều kiện đạt 90,66%… Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Công an và các cơ quan liên quan tích hợp, cung cấp 25/25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án số 06 và 10/28 dịch vụ công theo Quyết định số 422/QĐ-TTg ngày 4/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ trên Cổng dịch vụ công quốc gia…

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, chuyển đổi số là xu thế tất yếu, đòi hỏi khách quan và được xác định là nhiệm vụ chính trị quan trọng của Đảng, Nhà nước; đồng thời là công việc mới, khó, nhạy cảm, đòi hỏi phải có nguồn lực, trí tuệ, thời gian và các điều kiện cần thiết khác. Mục đích cuối cùng của chuyển đổi số là phục vụ con người, trên tinh thần lấy con người làm trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực, nguồn lực phát triển. Thời gian qua, công tác chuyển đổi số và Đề án 06 đã được triển khai bài bản, tích cực, đúng hướng, đúng trọng tâm, trọng điểm, đặc biệt là việc xây dựng CSDL quốc gia về dân cư. Để hoàn thành mục tiêu, kế hoạch đề ra, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung thảo luận, đánh giá thực chất tình hình, kết quả đạt được trên tinh thần khách quan, trung thực, đồng thời nhận diện các tồn tại, hạn chế, yếu kém, vướng mắc, rào cản, điểm nghẽn; phát hiện đúng các nguyên nhân; chia sẻ những kinh nghiệm hay, bài học quý, những giải pháp cụ thể trong triển khai chuyển đổi số và Đề án 06; xác định rõ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá thời gian tới, cũng như trong dài hạn. Cả hệ thống chính trị cần quyết tâm, nỗ lực vượt qua rào cản, điểm nghẽn, tạo đột phá để triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp nhằm đem lại kết quả cao hơn. Tập trung nhân lực, nguồn lực vào 4 vấn đề ưu tiên gồm: phát triển CSDL; đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến; phát triển các nền tảng số; bảo đảm an ninh mạng, an toàn thông tin…

Báo Hưng Yên

Tin liên quan

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử






Gửi đánh giá Xem kết quả
23 người đang online