Thủ tướng: Chuyển đổi số quốc gia - Đẩy mạnh đột phá, hướng tới 'mục tiêu kép'

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược về thể chế số, hạ tầng số và nhân lực số, phấn đấu đưa toàn bộ các dịch vụ công lên nền tảng số.

Sáng ngày 12/10, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, đã chủ trì Chương trình chào mừng Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2024. Sự kiện được kết nối trực tuyến từ trụ sở Chính phủ tới UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, thu hút sự tham dự của nhiều lãnh đạo cấp cao, đại diện các bộ ngành, cơ quan Trung ương, địa phương, doanh nghiệp, trường đại học và tổ công nghệ số cộng đồng.

Chương trình tập trung đánh giá kết quả chuyển đổi số quốc gia năm 2024, đặc biệt là về kinh tế số, và đưa ra định hướng chiến lược, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu về chuyển đổi số và phát triển kinh tế số trong thời gian tới.

Thủ tướng: Chuyển đổi số quốc gia - Đẩy mạnh đột phá, hướng tới 'mục tiêu kép'
Thủ tướng phát biểu kết luận tại chương trình chào mừng Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2024. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Chuyển đổi số đóng vai trò dẫn dắt

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh vai trò dẫn dắt của Chính phủ trong chuyển đổi số. Ông cho rằng, việc hoạch định chiến lược phát triển chuyển đổi số quốc gia, với yêu cầu đuổi kịp, tiến cùng và vượt lên, đặc biệt là về tư duy, là điều cần thiết. Bên cạnh đó, Chính phủ phải hoàn thiện cơ sở pháp lý vận hành xã hội số, đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng chuyển đổi số như điện, sóng, dữ liệu, và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của chuyển đổi số.

Cuối cùng, việc đẩy mạnh giáo dục, tuyên truyền, nâng cao dân trí để thực hiện chuyển đổi số cũng là nhiệm vụ trọng tâm. Ông khẳng định mục tiêu cuối cùng của chuyển đổi số là phục vụ người dân, nên việc người dân biết, hiểu, muốn chuyển đổi số là chìa khóa thành công.

Về chính sách đặc thù với người nghèo, người khuyết tật, người cao tuổi khó tiếp cận dịch vụ công trực tuyến, Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình khẳng định quan điểm xuyên suốt của Đảng, Nhà nước là không để ai bị bỏ lại phía sau, cả trong đời sống thực và đời sống số. Để biến cơ hội thành hiện thực, cần nỗ lực của Chính phủ, doanh nghiệp và người dân.

Một số giải pháp được đưa ra: đưa các dịch vụ công lên các nền tảng số, càng nhiều càng tốt; đầu tư hạ tầng điện, sóng, bảo đảm cơ hội tiếp cận dịch vụ số cho người dân vùng sâu, vùng xa; tăng cường vận động, hướng dẫn người dân để họ thành thạo kỹ năng chuyển đổi số.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình làm rõ các vấn đề được các đại biểu nêu - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình làm rõ các vấn đề được các đại biểu nêu. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Chính phủ xác định mục tiêu kép về chuyển đổi số

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định chuyển đổi số là xu thế tất yếu, yêu cầu khách quan, là lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu cho phát triển nhanh và bền vững. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của chuyển đổi số trong việc thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa, số hóa, thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Chính phủ xác định "mục tiêu kép": phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số ở trình độ cao, đồng thời hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam mạnh, có năng lực cạnh tranh toàn cầu.

Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược về thể chế số, hạ tầng số và nhân lực số, với phương châm "thể chế thông thoáng, hạ tầng thông suốt, nhân lực thông minh".

Về thể chế số, cần hoàn thiện hành lang pháp lý số, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cắt giảm chi phí tuân thủ, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù trong chuyển đổi số.

Về hạ tầng số, cần sớm đưa 5G vào thương mại tại một số thành phố lớn, đẩy mạnh đầu tư, nâng cấp hạ tầng trục viễn thông quốc gia, mở rộng kết nối cáp quang biển quốc tế, phát triển vệ tinh, nâng cấp và phát triển hạ tầng Internet vạn vật, tạo lập quỹ đất sạch để hình thành các trung tâm công nghiệp kỹ thuật số quy mô lớn, thu hút đầu tư xây dựng các Trung tâm dữ liệu, khẩn trương xây dựng và đưa Trung tâm dữ liệu quốc gia số 1 đi vào hoạt động vào cuối năm 2025.

Về nguồn nhân lực số, cần huy động cả nguồn lực Nhà nước và của xã hội, triển khai đồng bộ các cơ chế, chính sách, giải pháp, chú trọng đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D), tăng cường hợp tác, giao lưu, học hỏi quốc tế trong chuyển đổi số.

Chương trình chào mừng Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2024 là minh chứng cho quyết tâm của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước chung tay chuyển đổi số quốc gia. Với những nỗ lực, quyết tâm và sự chủ động, sáng tạo của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân, Thủ tướng tin tưởng rằng, công cuộc chuyển đổi số quốc gia sẽ chuyển biến nhanh, bền vững và toàn diện, bao trùm, thực chất, hiệu quả, góp phần quan trọng cho thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, tạo đời sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân, xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của đất nước.

Văn phòng Sở sưu tầm
https://congthuong.vn/thu-tuong-chuyen-doi-so-quoc-gia-day-manh-dot-pha-huong-toi-muc-tieu-kep-351940.html

Tin liên quan

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử






Gửi đánh giá Xem kết quả
57 người đang online