08/09/2023 | lượt xem: 2 Đẩy mạnh tiêu thụ nông sản qua kênh thương mại điện tử Mạng internet phát triển, tạo điều kiện cho nhiều nông dân, hộ sản xuất, kinh doanh, hợp tác xã (HTX) có thêm cơ hội giới thiệu và đưa sản phẩm nông sản đến với thị trường. Trong đó, sự xuất hiện của các gian hàng trực tuyến trên sàn thương mại điện tử (TMĐT) đã giúp sản phẩm nông sản Hưng Yên đến với người tiêu dùng nhanh và hiệu quả hơn. Một buổi livestream quảng bá, bán sản phẩm nông sản tại nhà vườn Yêm Thuý, xã Hàm Tử (Khoái Châu) Ông Nguyễn Quang Điện, Giám đốc HTX Tiên Châu Phố Hiến, xã Hồng Nam (thành phố Hưng Yên) cho biết: Từ năm 2020, sau khi đưa các sản phẩm lên giới thiệu, bán trên một số sàn TMĐT như: Voso, Shopee, Postmart, sản phẩm của HTX được nhiều người biết đến hơn, tiếp cận với nhiều khách hàng ở trong và ngoài tỉnh đồng thời mở thêm các đại lý, tạo thêm kênh phân phối… Nhờ đó thị trường tiêu thụ được mở rộng, HTX có điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, đến năm nay thì kênh TMĐT đã trở thành kênh tiêu thụ chính của HTX với khoảng 70% sản lượng nông sản tiêu thụ qua kênh này. Năm nay, HTX thu hoạch 50 tấn nhãn, sản xuất 30 tấn long nhãn, 4 tấn long nhãn ôm sen, 20 tấn mật ong. Điều này cũng đặt ra yêu cầu đối với HTX về việc nâng cao chất lượng sản phẩm kết hợp chú trọng mẫu mã, bao bì sản phẩm, tăng cường quảng bá, mở rộng thị trường… Còn tại HTX Nhãn Miền Thiết, xã Hàm Tử (Khoái Châu), đầu tư sản xuất theo hướng VietGAP, sản phẩm nhãn của HTX được đánh giá cao. Không chỉ chủ động kết nối tiêu thụ sản phẩm trong tỉnh, HTX còn mở rộng các kênh tiêu thụ vào các chuỗi siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch; phát triển bán hàng trực tuyến. Bà Nguyễn Thị Thúy ở thôn An Cảnh, thành viên của HTX chia sẻ: Gia đình tôi có hơn 2 mẫu trồng nhãn, trước đây tôi vẫn bán các sản phẩm theo cách truyền thống, đó là dựa vào thương lái cũng như tự tìm nguồn tiêu thụ nhỏ lẻ thông qua quen biết. Từ năm 2020 đến nay, tôi đã tham gia các lớp tập huấn kỹ năng bán hàng trực tuyến và đã quay phát trực tiếp lên mạng xã hội Facebook hình ảnh những chùm nhãn chín trong vườn, nhiều khách hàng hào hứng, thích thú theo dõi, mời thêm bạn bè vào bình luận, đặt mua. Cao điểm vụ thu hoạch năm nay, có ngày, gia đình tôi bán 2 tạ nhãn, 1 tạ long nhãn qua kênh TMĐT. Từ đây, nhiều khách hàng biết đến thương hiệu, chất lượng nhãn của gia đình, giúp sản phẩm tiêu thụ thuận lợi hơn. Theo thông tin từ Sở Công Thương, hiện nay, nhiều HTX, đơn vị, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã được cơ quan chức năng hướng dẫn và dần làm quen với kênh bán hàng trực tuyến. Trên địa bàn tỉnh có tổng số gần 16.800 tổ chức, cá nhân tham gia các sàn TMĐT lớn và uy tín (như: Sendo, Shopee, Postmart) với trên 212.000 sản phẩm. Trong đó có nhiều tổ chức, cá nhân kinh doanh các mặt hàng nông sản Hưng Yên như: Nhãn, vải, cam, tinh bột nghệ, hạt sen, long nhãn, mật ong… Bên cạnh đó, Sở Công Thương duy trì hoạt động sàn TMĐT của tỉnh tại địa chỉ http://ecomhungyen.vn với hàng chục gian hàng giới thiệu, bán sản phẩm nông sản đặc sản của tỉnh. Để phát triển TMĐT, Sở Công Thương đã tích cực triển khai thực hiện các đề án thuộc Chương trình Phát triển TMĐT quốc gia năm 2023: “Xây dựng phần mềm chuỗi phân phối trực tuyến hàng nông sản tỉnh Hưng Yên” và “Xây dựng giải pháp xúc tiến trực tuyến hàng Việt Nam trên địa bàn tỉnh Hưng Yên”. Phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể, các hiệp hội, doanh nghiệp tổ chức hội nghị tập huấn, phổ biến kiến thức, kỹ năng giao dịch trên sàn TMĐT cho các hộ, HTX, đơn vị sản xuất, kinh doanh. Phối hợp với các cơ quan báo chí trong tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền về TMĐT và sàn giao dịch TMĐT tỉnh; hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng Website TMĐT cho các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh; triển khai ứng dụng tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm; nhiều ngân hàng triển khai dịch vụ mở tài khoản ngân hàng online, ứng dụng ngân hàng số… Thực tế cho thấy, so với các phương thức tiêu thụ truyền thống, kênh bán hàng trực tuyến không chỉ đơn thuần là cầu nối giữa sản xuất và người tiêu dùng, mà còn là kênh quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông sản của Hưng Yên đến với thị trường trong và ngoài nước theo hướng hiệu quả, tiết kiệm chi phí. Lợi ích lớn nhất mà sàn TMĐT mang lại chính là giúp người nông dân tiêu thụ sản phẩm, tăng doanh số bán hàng và thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh phát triển. Tuy nhiên, việc đẩy mạnh đưa nông sản lên các sàn TMĐT hiện nay cũng gặp không ít khó khăn, bởi đây là phương thức tiêu thụ mới với nông dân; sản phẩm nông sản của tỉnh đa số sản xuất với quy mô nhỏ, mang tính thời vụ; một số loại nông sản như nhãn, vải tươi có thời gian bảo quản ngắn, khó vận chuyển đi xa... Phát huy hiệu quả của kênh TMĐT, thời gian tới, Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Công Thương tiếp tục tuyên truyền, hỗ trợ các doanh nghiệp, nông dân, HTX nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã, bao bì sản phẩm bảo đảm an toàn thực phẩm và có thể truy xuất nguồn gốc để tạo được uy tín, niềm tin cho khách hàng. https://baohungyen.vn/day-manh-tieu-thu-nong-san-qua-kenh-thuong-mai-dien-tu-3165863.html