25/09/2023 | lượt xem: 2 Đẩy mạnh chuyển đổi số trong các tổ chức KHCN ngành Công Thương Chuyển đổi số đối với các đơn vị sự nghiệp khoa học công lập là việc tích hợp, áp dụng công nghệ số để nâng cao hiệu quả hoạt động khoa học và công nghệ, hiệu quả quản lý và tạo ra các giá trị mới. Chuyển đổi số là xu thế tất yếu Chuyển đổi số là xu thế tất yếu, khách quan, có vai trò rất quan trọng đối với mọi quốc gia. Do đó, chuyển đổi số là quá trình phát triển không thể đảo ngược, các tổ chức bắt buộc phải thực hiện để tồn tại và nâng cao hiệu quả hoạt động, hiệu quả quản lý, nâng cao năng lực, sức cạnh tranh và tạo ra các giá trị mới. Tại Việt Nam, các nghiên cứu chuyển đổi số được thực hiện chủ yếu đối với các đối tượng là cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp. Tuy nhiên, nghiên cứu chuyển đổi số đối với đối tượng là các tổ chức khoa học và công nghệ nói chung và tổ chức khoa học và công nghệ ngành công thương nói riêng chưa được thực hiện. Hơn nữa, hoạt động của các tổ chức khoa học công nghệ bao gồm: nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, cung cấp dịch vụ khoa học và công nghệ, sản xuất thử nghiệm và giới thiệu sản phẩm. Các hoạt động này không giống với các hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước và khác xa với các hoạt động của các doanh nghiệp. Do vậy việc áp dụng các cơ sở khoa học của các nghiên cứu về chuyển đổi số đối với cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp cho các tổ chức khoa học và công nghệ là không thể. Cần thiết phải có các nghiên cứu cụ thể về chuyển đổi số dành riêng cho các tổ chức khoa học và công nghệ để cung cấp nhận thức đầy đủ về chuyển đổi số trong lĩnh vực này. Chuyển đổi số là chìa khóa để tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư nên cần đẩy mạnh nghiên cứu và áp dụng thí điểm. (Ảnh minh hoạ - bnews.vn) Giải pháp phát triển chuyển đổi số ngành công thương Ngành Công Thương có 21 tổ chức nghiên cứu khoa học và công nghệ (KHCN) và hơn 70 trung tâm khoa học và công nghệ tại các trường đại học, cao đẳng thuộc Bộ Công Thương. Các tổ chức khoa học và công nghệ ngành công thương thực hiện chức năng nhiệm vụ theo 6 nhóm gồm: Nghiên cứu, tư vấn chính sách; nghiên cứu cơ bản; nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ; nghiên cứu, tự chế tạo, sản xuất; cung cấp các các dịch vụ khoa học công nghệ và đào tạo. Phạm vi hoạt động khoa học và công nghệ của bao trùm hầu hết các lĩnh vực chuyên môn của ngành công nghiệp và thương mại. Như vậy, việc ứng dụng chuyển đổi số trong các tổ chức KHCN ngành công thương sẽ đóng vai trò quan trọng làm thay đổi tổng thể về cách làm việc và phương pháp hoạt động khoa học, tác động rất lớn đến toàn ngành công thương cả về chiều rộng và chiều sâu. Là một trong những đơn vị sự nghiệp khoa học và công nghệ công lập thuộc Bộ Công Thương với chức năng nghiên cứu xây dựng chiến lược, chính sách phục vụ quản lý nhà nước, Viện Nghiên cứu Sành sứ Thủy tinh Công nghiệp đã đề xuất 3 giải pháp chính để nâng cao hiệu quả chuyển đổi số cho các tổ chức khoa học và công nghệ ngành công thương, bao gồm: Xây dựng cơ sở khoa học, để xuất giải pháp thúc đẩy, xây dựng lộ trình thực hiện chuyển đổi số chuyển đổi số đối với các tổ chức khoa học và công nghệ ngành công thương; Xây dựng hướng dẫn chuyển đổi số cho các tổ chức khoa học và công nghệ ngành công thương; Áp dụng mô hình thí điểm chuyển đổi số cho 01 tổ chức khoa học và công nghệ ngành công thương. "Hiện nay, chưa có viện nghiên cứu nào của ngành công thương có chương trình chuyển đổi số đầy đủ. Việc thiếu các mô hình dẫn đến việc áp dụng chuyển đổi số cho các tổ chức khoa học và công nghệ chưa đạt được các kết quả như mong muốn, chưa đi vào thực chất, mang nặng tính hình thức. Vì vậy, nghiên cứu cơ sở khoa học, đề xuất giải pháp, xây dựng hướng dẫn và áp dụng thí điểm chuyển đổi số cho các tổ chức khoa học và công nghệ ngành công thương là rất cần thiết. Mô hình thí điểm vừa là thực tế trực quan cho các tổ chức khoa học và công nghệ, cơ quan quản lý nhà nước vừa là kinh nghiệm thực tiễn để hoàn thiện tài liệu hướng dẫn áp dụng chuyển đổi số cho các tổ chức khoa học và công nghệ ngành công thương", TS. Chu Văn Giáp - Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Sành sứ Thủy tinh Công nghiệp cho biết. Ngoài ra, để rút ngắn quá trình chuyển đổi số trong các tổ chức KHCN ngành Công Thương, Viện Nghiên cứu Sành sứ Thủy tinh Công nghiệp kiến nghị Bộ Công Thương triển khai đồng bộ việc nghiên cứu cơ sở khoa học, xây dựng tài liệu hướng dẫn, xây dựng lộ trình thực hiện, trên cơ sở chuyển đổi số hài hòa với năng lực và đặc thù của các tổ chức KHCN ngành Công Thương trên cả 3 lĩnh vực: Nghiên cứu khoa học, dịch vụ khoa học và công nghệ, sản xuất thử nghiệm và giới thiệu sản phẩm. Bên cạnh đó, cần nâng cao nhận thức, hiểu biết về chuyển đổi số cho các cán bộ, viên chức, công chức của các đơn vị quản lý KHCN và tổ chức nghiên cứu KHCN, cũng như xây dựng lộ trình chuyển đổi số cho các tổ chức KHCN ngành Công Thương. Trong đó nêu rõ các nội dung: Lộ trình thực hiện, đào tạo, tập huấn, tuyên truyền, đầu tư… Một số hướng dẫn áp dụng chuyển đổi số hiện nay ở Việt Nam đã được xây dựng và đang được triển khai thực hiện bao gồm “Cẩm nang chuyển đổi số” do Bộ Thông tin Truyền thông ban hành; “Hướng dẫn chuyển đổi số cho doanh nghiệp tại Việt Nam” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành. Các hướng dẫn chuyên ngành dưới dạng các tài liệu khung chuyển đổi số cho các ngành lĩnh vực dịch vụ (bán lẻ, du lịch, giáo dục, môi trường); sản xuất (dược phẩm, thép) và một số lĩnh vực khác. Hiện tại, Viện Nghiên cứu Sành sứ Thủy tinh Công nghiệp đang đề xuất Bộ Công Thương phê duyệt đề tài KHCN năm 2024 “Nghiên cứu cơ sở khoa học, đề xuất giải pháp, xây dựng hướng dẫn và áp dụng thí điểm chuyển đổi số cho các tổ chức khoa học và công nghệ ngành công thương.” Đề tài được kỳ vọng sẽ xác định được cơ sở khoa học, đề xuất giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số đối với các tổ chức khoa học và công nghệ ngành công thương. Đồng thời xây dựng hướng dẫn chuyển đổi số cho các tổ chức khoa học và công nghệ ngành công thương. https://moit.gov.vn/khoa-hoc-va-cong-nghe/day-manh-chuyen-doi-so-trong-cac-to-chuc-khcn-nganh-cong-thuong.html