Cơ cấu lại ngành Công Thương dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ

Đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm cơ cấu lại ngành Công Thương dựa trên nền tảng của khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Tạo điều kiện thuận lợi triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ

Về công tác phát triển khoa học và công nghệ, trong năm 2023, Bộ Công Thương đã tập trung xây dựng, hoàn thiện định hướng, nhiệm vụ ưu tiên trong phát triển khoa học và ứng dụng công nghệ giai đoạn đến 2030.

Cơ cấu lại ngành Công Thương dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nghe giới thiệu về hoá phẩm nâng cao hệ số thu hồi dầu VPI SP do Viện Dầu khí Việt Nam nghiên cứu, chế tạo

Đáng chú ý, bộ đã phê duyệt và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt các văn bản: Chiến lược khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển ngành Công Thương đến năm 2030; Đề án Phát triển công nghiệp sinh học ngành Công Thương đến năm 2030; Chương trình nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa ngành công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030; Chương trình phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao đến năm 2030; Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp Bộ phục vụ nghiên cứu, phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị trong các ngành công nghiệp ưu tiên: Công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp cơ khí, công nghiệp điện tử, công nghiệp dệt may, da - giầy giai đoạn 2021 - 2030.

Bộ Công Thương đã ký “Chương trình phối hợp công tác về hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2023 - 2026, định hướng đến năm 2030” với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Hiện Bộ Công Thương đang tiếp tục phối hợp với các đơn vị chức năng của Văn phòng Chính phủ để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất công nghiệp ứng dụng công nghệ 4.0 thông qua chuyển đổi số để phát triển sản xuất thông minh giai đoạn đến năm 2030.

Bộ cũng đã tổ chức đánh giá việc thực thi Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013, kiến nghị việc sửa đổi Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013 cùng các văn bản hướng dẫn thi hành luật (về đầu tư và cơ chế tài chính đối với hoạt động khoa học và công nghệ, quỹ khoa học và công nghệ của doanh nghiệp, xử lý tài sản hình thành từ nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước...) nhằm nhanh chóng tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong công tác quản lý, triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ hiện nay. Ban hành quy định một số nội dung và định mức kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ Công Thương sau khi có Thông tư của Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ điều chỉnh về nội dung này.

Hiện nay, Bộ Công Thương đang nghiên cứu, xây dựng Quy chế quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp bộ của Bộ Công Thương để thống nhất, tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý, tổ chức triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ của bộ.

Hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ 4.0

Theo Bộ Công Thương, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang chuyển đổi cấu trúc của nền kinh tế thế giới, hiện bước vào giai đoạn tăng trưởng chủ yếu dựa vào công nghệ và đổi mới sáng tạo. Điều này đã mang đến cơ hội cho các nước đang phát triển như Việt Nam đẩy mạnh phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ để thực hiện công nghiệp hóa đất nước và bắt kịp các nước phát triển.

Cơ cấu lại ngành Công Thương dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ
Tăng cường hỗ trợ các dự án phát triển và ứng dụng công nghệ nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất thông minh

Trong năm 2024, Bộ Công Thương xác định một trong các giải pháp trọng tâm tập trung đó là tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm cơ cấu lại ngành Công Thương dựa trên nền tảng của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Trong đó, với ngành than, chỉ đạo doanh nghiệp tăng cường áp dụng các giải pháp kỹ thuật tiên tiến, tối ưu hóa các chỉ tiêu công nghệ, định mức tiêu hao tiên tiến xây dựng theo mô hình hợp lý (định mức lao động, định mức tiêu hao vật tư,…) để tiết giảm chi phí sản xuất ở mức hợp lý và đảm bảo hiệu quả sản xuất kinh doanh; áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật và quản lý nhằm sử dụng tiết kiệm tài nguyên, tiết kiệm chi phí trong tất cả các khâu thăm dò, khai thác, chế biến, kinh doanh than.

Với ngành dầu khí, tối ưu hóa quy trình công nghệ, tích cực triển khai nghiên cứu công tác khoan đan dày để góp phần đảm bảo sản lượng khai thác theo kế hoạch, gia tăng sản lượng khai thác với điều kiện đảm bảo an toàn mỏ.

Với ngành cơ khí, phối hợp với các bộ, ngành trình cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách mới tập trung hỗ trợ để thúc đẩy nhanh các dự án lớn trong ngành cơ khí; trong đó có chính sách ưu đãi đầu tư đặc biệt theo quy định của Luật Đầu tư để hình thành các dự án lớn, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa, chuyển giao và làm chủ công nghệ thiết kế, chế tạo.

Về công tác khoa học và công nghệ trong năm 2024, Bộ Công Thương cũng nêu một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể gồm: Trình Lãnh đạo Bộ ban hành quy định quản lý nội bộ hoạt động khoa học và công nghệ cấp Bộ Công Thương. Tập trung hoàn thiện các QCVN trong lĩnh vực an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của bộ; tiếp tục triển khai xây dựng Thông tư truy xuất nguồn gốc thực phẩm thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương.

Bên cạnh đó, tổ chức triển khai Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ngành Công Thương giai đoạn 2021 - 2030; các chương trình, đề án khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia, cấp bộ đã được phê duyệt. Tập trung tổ chức triển khai Đề án hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ 4.0 thông qua chuyển đổi số để phát triển sản xuất thông minh đến năm 2030 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Cùng với đó, tổ chức xây dựng Hợp phần quy hoạch phát triển, ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ trong ngành công nghiệp. Tiếp tục rà soát, khảo sát, đánh giá, bổ sung các ngành, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh cần tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường; đề xuất các nội dung để hỗ trợ doanh nghiệp.

Tiếp tục rà soát, đánh giá, đề xuất gửi Bộ Khoa học và Công nghệ để hỗ trợ tổ chức, cá nhân nghiên cứu và phát triển, áp dụng thí điểm, phổ biến và nhân rộng các giải pháp công nghệ ứng dụng trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương. Tiếp tục triển khai Lộ trình hoàn thiện hệ thống TCVN, QCVN giai đoạn đến năm 2025. Thực hiện công tác thủ tục hành chính (cấp giấy chứng nhận, đánh giá và cấp quyết định chỉ định cho các tổ chức đánh giá sự phù hợp đối với sản phẩm, hàng hóa thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương); tổ chức các Đoàn kiểm tra tổ chức đánh giá sự phù hợp phục vụ công tác quản lý của Bộ Công Thương.

Trong công tác an toàn thực phẩm, Bộ tiếp tục chỉ đạo điều hành gắn kết chặt chẽ công tác quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm với công tác quản lý hàng hóa lưu thông trên thị trường, bình ổn thị trường, cân đối cung cầu, nâng cao năng suất chất lượng ngành Công Thương và hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Tiếp tục rà soát, hoàn thiện chính sách pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về sản phẩm thực phẩm thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Công Thương nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm, hài hòa với các chuẩn mực quốc tế; tiếp tục thống kê, cập nhật đầy đủ, chính xác dữ liệu và tính chi phí tuân thủ, rà soát, đánh giá quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh trên hệ thống phần mềm theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ theo phạm vị chức năng được phân công.

https://congthuong.vn/co-cau-lai-nganh-cong-thuong-dua-tren-nen-tang-khoa-hoc-va-cong-nghe-292603.html

Tin liên quan

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử






Gửi đánh giá Xem kết quả
63 người đang online