04/07/2022 | lượt xem: 5 Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên làm việc với Tập đoàn Viettel về định hướng hợp tác chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trong thương mại và năng lượng Ngày 30 tháng 6 năm 2022, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có buổi làm việc với Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel) về định hướng hợp tác chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực năng lượng và thương mại. Cùng tham dự buổi làm việc của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên với Tập đoàn Viettel có Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cùng lãnh đạo một số đơn vị chức năng của Bộ Công Thương. Báo cáo với Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên và đoàn công tác Bộ Công Thương, Đại tá Tào Đức Thắng - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel cho biết, 6 tháng đầu năm 2022, kết quả kinh doanh của Tập đoàn trên phạm vi toàn cầu về tất cả các lĩnh vực như viễn thông trong nước và nước ngoài, chuyển đổi số, nghiên cứu sản xuất... đạt mức tăng trưởng gần 12%, dịch vụ tăng 1,7%, lợi nhuận tăng trưởng so cùng kỳ năm ngoái, gần 20 %. Đại tá Tào Đức Thắng nhấn mạnh, trong 2 năm đại dịch Covid-19 , Tập đoàn đã tiên phong chuyển đổi số cho xã hội, được Chính phủ quan tâm và yêu cầu Viettel thực hiện các nhiệm vụ chống dịch, giải pháp đồng hành cùng Chính phủ phần mềm tiêm chủng, quản lý sức khỏe, ... Đồng hành cùng với chương trình xã hội, Vietel còn hỗ trợ gói về cước, hỗ trợ về sim, hỗ trợ về wifi... Đến nay, Viettel được xã hội, khách hàng, Chính phủ đánh giá cao nỗ lực trong việc chuyển đổi số, giúp cho Chính phủ kiểm soát được dịch bệnh. Theo ông Thắng, trong bối cảnh hiện nay khi nền kinh tế đang phục hồi, hành vi xã hội của người dân, các cấp chính quyền, doanh nghiệp đã chuyển đổi sang môi trường số, đây là một thuận lợi đối với hoạt động của Tập đoàn. Tại buổi làm việc, lãnh đạo Tập đoàn Viettel đã đề xuất một số nội dung hợp tác giữa Tập đoàn với Bộ Công Thương. Theo đó, Viettel mong muốn được cung các các nền tảng số, các giải pháp số hoá với các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương nhằm giúp Bộ Công Thương làm tốt hơn công tác quản lý, điều hành. Bên cạnh đó, Tập đoàn Viettel cũng bày tỏ mong muốn được Bộ Công Thương cùng đồng hành trong việc triển khai các dự án đầu tư, đặc biệt tại các thị trường mới để vừa bảo đảm các yếu tố chính trị, kinh tế, vừa bảo đảm đối ngoại, an ninh, quốc phòng… Hiện nay, Viettel đã và đang mở rộng hoạt động sang lĩnh vực năng lượng sạch, trong đó bao gồm cả sản xuất thiết bị. Tập đoàn mong muốn được sự ủng hộ của Bộ Công Thương để góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam tại hội nghị COP26. Đặc biệt, Viettel sẵn sàng hợp tác với Bộ Công Thương trong lĩnh vực logistics với việc tập trung đầu tư hệ thống kho hàng logistics vận tải để xây dựng, quy hoạch lại một loạt hệ thống kho hàng và hệ thống các tuyến đường để vận chuyển. Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhìn nhận Bộ Công Thương và Tập đoàn Viettel có rất nhiều nội dung, dư địa để hợp tác cùng nhau phát triển. Công Thương là ngành có chức năng quản lý đa ngành kinh tế, bao gồm rất nhiều lĩnh vực phức tạp, nhạy cảm và càng ngày đòi hỏi công tác quản lý càng phải được nâng cao. Ví dụ như là công nghiệp nền tảng không chỉ là cơ khí đơn thuần, cơ khí truyền thống mà cần lĩnh vực công nghệ rất hiện đại; trong thương mại trước đây là thương mại truyền thống, thì hiện nay cả thương mại điện tử. “Hoạt động của ngành Công Thương không chỉ giới hạn trong lãnh thổ Việt Nam mà trên toàn cầu. Hầu hết những nền kinh tế lớn, những quốc gia, vùng lãnh thổ mà chúng ta có hợp tác thương mại, hoạt động ngành Công Thương ở đó cũng rất sôi động. Nhưng để quản lý giám sát, phát huy hiệu quả, rõ ràng phải dùng công nghệ”- Bộ trưởng nhấn mạnh. Theo Bộ trưởng, kinh tế Việt Nam hiện có độ mở rất lớn; xuất nhập khẩu đạt hơn 200% GDP. Việt Nam cũng đang thu hút đầu tư FDI rất lớn, thậm chí có nhiều dự báo, Việt Nam sớm trở thành công xưởng thế giới. Theo Bộ trưởng, đối với ngành Công Thương, chiến lược phát triển ngành đã rõ, nhưng để thực hiện được chiến lược phát triển ngành, một trong những giải pháp Bộ tập trung là chuyển đổi số. Song đến thời điểm này nếu chỉ dừng lại ở chuyển đổi số thì chưa đủ, phải bao gồm rất nhiều lĩnh vực khác. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã gợi mở một số định hướng hợp tác thời gian tới giữa Bộ Công Thương và Tập đoàn Viettel. Thứ nhất là xây dựng cơ chế hợp tác thường xuyên giữa Bộ Công Thương và Tập đoàn Viettel, thúc đẩy chuyển đổ số của Bộ Công Thương. Thứ hai là xây dựng cơ chế hợp tác rất cụ thể giữa Tập đoàn Viettel với các “đại sứ” kinh tế Việt Nam ở các nước, đó là hệ thống các Thương vụ Việt Nam ở các nước để từ đó có điều kiện tiếp cận với công nghệ mới với kỹ thuật mới, kinh nghiệm quản trị mới, thông qua đó, chúng ta có được nguồn cung đa dạng và phong phú về các nguồn nguyên vật liệu phục vụ cho ngành sản xuất trong nước. Cùng đó “Việt Nam đang chuyển đổi rất mạnh về năng lượng, nhất là năng lượng sạch, các đại sứ về kinh tế của Việt Nam ở nước ngoài phải là cầu nối để các đối tác phát triển cùng với trong nước để có thể chủ động phát triển sản xuất, chế tạo và ứng dụng các công nghệ mới, thiết bị mới để có thể phát triển một cách tự chủ, độc lập”- Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh. Thứ ba, liên quan đến đầu tư của Viettel ra nước ngoài, nếu chúng ta sử dụng tốt lực lượng thương vụ của Việt Nam tại nước ngoài sẽ là những cầu nối quan trọng nhất. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên thông tin giữa tháng 7 tới sẽ có hội nghị Thương vụ tại các khu vực châu Âu – châu Mỹ, sau đó là châu Á – châu Phi. Bộ trưởng mong Tập đoàn Viettel sẽ tham dự, đây sẽ là những bước đầu để hai bên trao đổi và hình dung ra công việc phải làm, trong quá trình làm sẽ nghiên cứu và xây dựng chương trình hợp tác cụ thể. Thứ tư, bên cạnh lĩnh vực xăng dầu, trong tương lai sẽ còn nhiều lĩnh vực như điện, hàng hóa, dịch vụ nói riêng và nhiều lĩnh vực của ngành Công Thương nói chung cần ứng dụng công nghệ trong quản trị. Bộ trưởng mong Tập đoàn Viettel có thể hỗ trợ công việc này. Theo hướng này Bộ trưởng đề nghị Tập đoàn giúp xây dựng và quản lý phần mềm về xăng dầu, điện … ở các địa phương. Thứ năm, liên quan đến hỗ trợ nghiên cứu cơ sở vật chất phục vụ năng lượng sạch, Bộ trưởng cho biết đã nhiều lần báo cáo Thủ tướng, báo cáo Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực nếu Việt Nam không vươn lên để làm chủ về mặt công nghệ và thiết bị, không vươn lên để các doanh nghiệp Việt Nam làm chủ trong các lĩnh vực năng lượng, trong tương lai sẽ là rất khó. “Viettel hoàn toàn có thể tiếp cận và nhận chuyển giao các công nghệ mới này trong phân khúc mà mình làm chủ. Hai bên cần cụ thể từng chương trình hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất, chế tạo các thiết bị phục vụ cho ngành năng lượng sạch, turbin gió, pin năng lượng mặt trời, sau này là thiết bị tích trữ điện, điều chế hydrogen và amoniac xanh…”- Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh. Thứ sáu, Bộ Công Thương đang được giao nhiệm vụ chính của ngành logistics và bán lẻ. Hiện nay, đây là 2 ngành mang lại lợi ích rất lớn, sau ngành sản xuất nội địa. Tuy nhiên ở Việt Nam, năng lực về những ngành này còn yếu, nếu có thì lại là của các doanh nghiệp nước ngoài. Hệ thống giao thông hiện đại sẽ hình thành nên những trung tâm phân phối, tập kết hàng hóa, thiết lập những kênh vận tải chuyên nghiệp. “Tôi mong Viettel sẽ cùng Bộ Công Thương nghiên cứu để xây dựng chiến lược phát triển logistics Việt Nam, cụ thể chiến lược này sẽ nhằm vào các cảng biển, sân bay, tuyến giao thông nội địa và quốc tế”- Bộ trưởng nói. Các đại biểu tham gia buổi làm việc Cuối cùng là thương mại điện tử, hiện nay thương mại điện tử phát triển rất nhanh, Tuy nhiên thương mại điện tử phát triển cũng làm phát sinh những rủi ro trong quản lý. Bộ Công Thương mong Viettel cùng hợp tác để nghiên cứu để đưa ra những giải pháp kiểm soát, quản lý để giảm bớt những tác động ngược chiều. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên mong thời gian tới Bộ Công Thương và Tập đoàn Viettel sẽ xây dựng được một chiến lược hợp tác toàn diện hơn trên cơ sở các định hướng được nêu tại buổi làm việc. https://moit.gov.vn/tin-tuc/hoat-dong/bo-truong-nguyen-hong-dien-lam-viec-voi-tap-doan-viettel-ve-dinh-huong-hop-tac-chuyen-doi-so-ung-dung-cong-nghe-trong-th.html