Ban cán sự đảng Bộ Công Thương ban hành Nghị quyết về Chương trình chuyển đổi số của Bộ Công Thương giai đoạn 2022 - 2025

Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban cán sự đảng Bộ Công Thương đã ban hành Nghị quyết số 33-NQ/BCSĐ ngày 27/01/2022 lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình chuyển đổi số của Bộ Công Thương giai đoạn 2022 – 2025.

Việt Nam đang tham gia mạnh mẽ vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và cốt lõi chính là chuyển đổi số với sự tích hợp của số hóa, kết nối, siêu kết nối và xử lý dữ liệu thông minh. Để thích ứng với tình hình mới, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về chuyển đổi số. Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó nhấn mạnh yêu cầu cấp bách để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Trên cơ sở đó, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 01/CT-TTg ngày 14/01/2020 về “Thúc đẩy phát triển công nghệ số Việt Nam”, ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Đặc biệt, trong các văn kiện của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, những khái nhiệm như chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số đã lần đầu tiên được đề cập. Nội hàm của những khái niệm này cũng được nhấn mạnh nhiều lần trong mục tiêu, quan điểm phát triển cũng như các đột phá chiến lược.

Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban cán sự đảng Bộ Công Thương đã ban hành Nghị quyết số 33-NQ/BCSĐ ngày 27/01/2022 lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình chuyển đổi số của Bộ Công Thương giai đoạn 2022 – 2025.

Nghị quyết đánh giá trong giai đoạn 2016-2021, Bộ Công Thương đã có sự chuyển biến rất tích cực so với giai đoạn 2010-2015 và đạt được những kết quả nhất định về công tác ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT). Theo đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông về mức độ ứng dụng CNTT của các cơ quan Trung ương qua các năm, từ vị trí cuối bảng xếp hạng trong các bộ ngành, Bộ Công Thương đã vươn lên nhóm dẫn đầu (năm 2017 xếp hạng 17/19, năm 2018 và 2019 xếp hạng thứ 2, năm 2020 xếp hạng thứ 6).

Từ năm 2016 đến nay, Bộ Công Thương đã định hướng, triển khai các ứng dụng nội bộ dùng chung cho các đơn vị trực thuộc Bộ đạt được hiệu quả rất tích cực (100% cán bộ có tài khoản thư điện tử của đơn vị; 100% đơn vị sử dụng ứng dụng quản lý văn bản và điều hành, trang thông tin điều hành tác nghiệp nội bộ)... Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng tập trung nguồn lực triển khai hiệu quả các hoạt động nhằm thúc đẩy phát triển chính phủ điện tử tại Bộ theo định hướng của Chính phủ và các Bộ, ngành chức năng (cổng dịch vụ công, cơ chế một cửa quốc gia, một cửa điện tử của Bộ…).

Nghị quyết đề ra mục tiêu tổng quát “Đẩy mạnh việc triển khai ứng dụng CNTT, phát triển Chính phủ điện tử tại Bộ Công Thương trên cơ sở cải cách hành chính, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, thực hiện chuyển đổi số, hướng tới chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số và bảo đảm an toàn thông tin mạng” và đưa ra các mục tiêu cụ thể để phấn đấu đạt được đến năm 2025, cụ thể:

Một là, hình thành được cơ sở hạ tầng dữ liệu của ngành, trong đó có cơ sở dữ liệu nền tảng dùng chung được kết nối, tích hợp dữ liệu từ các hệ thống nghiệp vụ chuyên dùng nhằm cung cấp thông tin phục vụ quản lý, điều hành của Bộ.

Hai là, hoàn thiện Hệ thống thông tin báo cáo của Bộ Công Thương kết nối với Hệ thống thông tin báo cáo của Chính phủ theo quy định của Nghị định 09/2019/NĐ-CP ngày 24/01/2019 quy định về chế độ báo cáo của cơ quan hành chính nhà nước. Đảm bảo 100% báo cáo định kỳ (không bao gồm nội dung mật) của các đơn vị được cập nhật, chia sẻ trên hệ thống.

Ba là, phát triển hệ thống tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp Bộ (LGSP) kết nối với các hệ thống thông tin, cơ sử dữ liệu trong nội bộ bộ và kết nối với Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) theo Khung Kiến trúc để trao đổi, chia sẻ dữ liệu với các cơ quan bên ngoài.

Bốn là, hoàn thiện Cổng Dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, đảm bảo 100% các thủ tục hành chính trên Cổng Dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử của bộ được kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Năm là, 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 phổ biến, liên quan tới nhiều người dân, doanh nghiệp được tích hợp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia; 100% giao dịch trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử của bộ được xác thực điện tử.

Sáu là, 100% dịch vụ công trực tuyến thuộc lĩnh vực xuất nhấp khẩu được tích hợp lên Cơ chế một cửa quốc gia.

Bảy là, tỷ lệ hồ sơ giải quyết theo dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên tổng số hồ sơ đạt từ 80% trở lên; 80% thủ tục hành chính đáp ứng yêu cầu được triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.

Tám là, xây dựng kế hoạch và triển khai công bố dữ liệu mở của Bộ; thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu theo lộ trình yêu cầu tại Nghị định số 47/2020/NĐ-CP ngày 09 tháng 4 năm 2020 của chính phủ về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước.

Chín là, triển khai các giải pháp điều hành, giám sát an toàn, an ninh mạng, phòng chống mã độc tập trung, kết nối chia sẻ thông tin với Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia. Đảm bảo an toàn hệ thống thông tin theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.

Để thực hiện được các mục tiêu nêu trên, Ban cán sự đảng Bộ Công Thương đề ra 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần tập trung nguồn lực để thực hiện gồm: (1) Hoàn thiện môi trường pháp lý; (2) Phát triển hạ tầng kỹ thuật; (3) Phát triển các hệ thống nền tảng, ứng dụng và dữ liệu; (4) Bảo đảm an toàn thông tin; (5) Phát triển nguồn nhân lực.

Trong tổ chức thực hiện, Ban cán sự đảng yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, tổ chức đảng cùng cấp triển khai quán triệt, tuyên truyền sâu rộng Nghị quyết và các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của Ban cán sự đảng Bộ Công Thương về chuyển đổi số, phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số đến toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động của ngành; xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai thực hiện phù hợp với đặc điểm, tình hình các nhiệm vụ chuyên môn trong chức năng, nhiệm vụ của đơn vị và phù hợp với chức năng nhiệm vụ của Bộ Công Thương. Ban cán sự đảng cũng giao Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan xây dựng, trình Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Chương trình chuyển đổi số của Bộ Công Thương để thực hiện Nghị quyết này, trong đó xác định rõ các đề án, dự án, bố trí ngân sách và phân công nhiệm vụ gắn với lộ trình cụ thể để triển khai thực hiện đảm bảo thiết thực, hiệu quả./.

https://moit.gov.vn/bao-ve-nen-tang-tu-tuong-cua-dang/ban-can-su-dang-bo-cong-thuong-ban-hanh-nghi-quyet-ve-chuong-trinh-chuyen-doi-so-cua-bo-cong-thuong-giai-doan-2022-2025.html

Tin liên quan

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử






Gửi đánh giá Xem kết quả
43 người đang online