30/11/2023 | lượt xem: 4 Xúc tiến tiêu thụ cam Hưng Yên Cam Hưng Yên là một trong những sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh, có hương vị thơm, ngọt đặc trưng, từ lâu được người tiêu dùng ưa chuộng. Tháng 5/2020, sản phẩm cam Hưng Yên đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu chứng nhận. Đây là bước đột phá trong tiếp cận thị trường trong và ngoài nước đối với sản phẩm cam Hưng Yên, đồng thời mở ra cơ hội lớn cho phát triển kinh tế địa phương. Nhằm mở rộng kênh tiêu thụ và góp phần quảng bá, nâng cao thương hiệu cam Hưng Yên, ngành công thương đã triển khai nhiều hoạt động xúc tiến tiêu thụ, kết nối các nhà vườn, hợp tác xã, doanh nghiệp với các đơn vị phân phối lớn trên toàn quốc và các sàn thương mại điện tử. Nông dân huyện Phù Cừ chăm sóc cam Toàn tỉnh hiện nay có khoảng 1,8 nghìn héc-ta trồng cam, tập trung nhiều ở thành phố Hưng Yên và các huyện: Phù Cừ, Kim Động, Khoái Châu, Văn Giang. Theo đánh giá của ngành chức năng, cam Hưng Yên chủ yếu được tiêu thụ dạng quả tươi tại các chợ đầu mối, cơ sở bán lẻ trong và ngoài tỉnh; một số ít được đưa vào tiêu thụ tại hệ thống siêu thị lớn ở một số tỉnh, thành phố lân cận. Hiện nay, các nhà vườn, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp tại các vùng trồng cam của tỉnh đang vào mùa thu hoạch, tiêu thụ cam. Năm nay, sản lượng cam toàn tỉnh ước đạt 31 nghìn tấn quả. Khảo sát thực tế tại các địa phương cho thấy, năm nay cam Hưng Yên tiêu thụ thuận lợi, bán được giá cao hơn so với năm trước. Ông Trần Văn Bính, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Ngũ Phúc, xã Tam Đa (Phù Cừ) cho biết: Những ngày này, các thành viên của hợp tác xã đang tập trung thu hoạch cam để xuất bán ra thị trường. Cam của hợp tác xã chủ yếu được phân phối đến các cửa hàng, điểm bán lẻ trong tỉnh và các địa phương như: Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng... Nhờ sản xuất theo hướng an toàn, cam của hợp tác xã cho chất lượng vượt trội, khẳng định được thương hiệu. Cam quả to, mã vàng óng, thơm, ngọt, được người tiêu dùng đánh giá cao. Hiện nay, cam tại vườn được bán với giá 20 – 30 nghìn đồng/kg. Để hỗ trợ người dân tiêu thụ cam thuận lợi, hợp tác xã tích cực liên hệ, phối hợp với các ngành chức năng thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như: Tham dự các hội nghị xúc tiến tiêu thụ nông sản của tỉnh tổ chức; tăng cường tiêu thụ sản phẩm qua thương lái tại các chợ đầu mối trong và ngoài tỉnh; phối hợp với Sở Công Thương đưa sản phẩm vào hệ thống các siêu thị, cửa hàng an toàn; kết nối với các sàn thương mại điện tử để đưa cam đến người tiêu dùng nhanh nhất. Bên cạnh đó, chúng tôi chú trọng bán sản phẩm qua các mạng xã hội như: Facebook, Zalo. Khi khách đặt mua hàng online, chúng tôi sẽ thu hoạch, đóng gói sản phẩm rồi vận chuyển tới địa chỉ theo yêu cầu… Nhằm hỗ trợ người sản xuất nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tìm kiếm thị trường tiêu thụ, thời gian qua, tỉnh đã đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến tiêu thụ, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu tập thể, cấp mã số vùng trồng cho nhóm cây ăn quả nói chung, trong đó có cây cam để minh bạch thông tin đến người tiêu dùng. Đến nay, các sở, ngành của tỉnh đã phối hợp với các địa phương thực hiện đăng ký nhãn hiệu bảo hộ sở hữu trí tuệ cho sản phẩm cam Quảng Châu, cam Đông Tảo, cam Đồng Thanh… Ngoài ra, các ngành chức năng còn hỗ trợ các hợp tác xã, nhà vườn tham gia nhiều sự kiện xúc tiến thương mại nông sản do các bộ, ngành của Trung ương, tỉnh tổ chức và phối hợp tham gia các hoạt động hội chợ, triển lãm hàng nông sản tại các tỉnh, thành phố trong cả nước. Hiện nay, Sở Công Thương đang kết nối với các đầu mối lớn nhằm mở rộng kênh tiêu thụ cam cho các nhà vườn cũng như quảng bá thương hiệu cam Hưng Yên. Đồng chí Nguyễn Văn Thơ, Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Để vụ cam 2023 cho hiệu quả kinh tế cao và phát triển sản xuất cam hiệu quả, bền vững, sở đang tích cực triển khai các giải pháp xúc tiến tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Theo kế hoạch, nhiều hoạt động xúc tiến tiêu thụ cam sẽ được tổ chức, trong đó, sở sẽ phối hợp với các ngành, địa phương tổ chức Phiên chợ cam Hưng Yên tại Khu đô thị Ecopark (Văn Giang) từ ngày 2/12/2023 với quy mô 50 gian hàng. Trong đó có 30 gian hàng cam và quả có múi, 20 gian hàng là các sản phẩm nông sản chủ lực, sản phẩm công nghiệp nông thôn của tỉnh. Cùng với đó, sở tiếp tục đẩy mạnh kênh tiêu thụ nông sản qua sàn thương mại điện tử; duy trì các kênh bán hàng qua hệ thống chuỗi các cửa hàng an toàn, siêu thị; tạo kết nối cung - cầu giữa doanh nghiệp với các hợp tác xã, nhà vườn. Để đưa được cam vào các hệ thống phân phối uy tín, các nhà vườn cần thực hiện đúng quy trình sản xuất theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật; quan tâm chất lượng hàng hóa để bảo đảm theo yêu cầu cam kết. Bên cạnh các kênh bán hàng truyền thống, các cơ sở cần chủ động tiếp cận với các kênh online, thương mại điện tử. Có thể thấy, việc thực hiện các giải pháp xúc tiến tiêu thụ sản phẩm cam Hưng Yên ra thị trường đang được tỉnh triển khai hiệu quả với nhiều hoạt động kết nối, giao thương đa dạng. Qua đó, nhiều hợp đồng tiêu thụ được ký kết, góp phần nâng cao giá trị sản xuất, kinh doanh và quảng bá rộng rãi sản phẩm cam Hưng Yên trên thị trường. https://baohungyen.vn/xuc-tien-tieu-thu-cam-hung-yen-3167854.html