30/12/2012 | lượt xem: 1 "Đánh” trọng tâm, trọng điểm Trước những diễn biến thị trường ngày càng phức tạp, ông Đỗ Thanh Lam- Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) - khẳng định: Các lực lượng chức năng phải tiếp tục đổi mới, chủ động, sẵn sàng đối phó với các thủ đoạn buôn bán, vận chuyển hàng lậu, hàng giả và gian lận thương mại... Tình hình buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại ngày càng phức tạp, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) đã triển khai những biện pháp gì trong công tác kiểm tra thị trường, thưa ông? Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương, Cục QLTT- với chức năng nhiệm vụ được giao - đã chỉ đạo quyết liệt lực lượng QLTT cả nước tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, trong đó chú trọng các địa bàn trọng điểm. Năm 2012, toàn lực lượng đã kiểm tra trên 163.505 trường hợp, xử lý trên 80.150 vụ vi phạm. Trong đó có 13.420 vụ buôn bán hàng nhập lậu, hàng cấm; 11.000 vụ kinh doanh hàng giả, kém chất lượng, vi phạm sở hữutrí tuệ; 39.033 vụ kinh doanh trái phép và 16.332 vụ vi phạm giá; phạt vi phạm hành chính 223,2 tỷ đồng; giá trị hàng tịch thu 132,9 tỷ đồng; truy thu thuế 10,1 tỷ đồng; giá trị hàng tịch thu chờ bán 331 tỷ đồng; trị giá hàng tiêu hủy 50,9tỷ đồng... Nhiều phương thức thủ đoạn mới đã bị phát hiện, đặc biệt là việc thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong khu chế xuất để sản xuất hàng giả. Đáng chú ý, với vai trò là thành viên cơ quan thường trực Ban chỉ đạo 127 Trung ương, Cục QLTT đã tham mưu cho lãnh đạo chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại... Ảnh minh hoạ. Năm qua, tình trạng hàng Trung Quốc “có vấn đề” lan tràn trên thị trường (rau, quả nhiễm hóa chất, gia cầm nhập lậu, quần áo...) khiến người tiêu dùng hoang mang. Các lực lượng chức năng gặp khó khăn trong việc ngăn chặn tình trạng này? Tôi cho rằng, công tác nắm bắt thông tin, dự báo tình hình thị trường của các lực lượng chức năng còn bị động, một số tuyến vận chuyển, mặt hàng nhập khẩu chưa được quan tâm đúng mức... Do vậy, tác dụng hỗ trợ chỉ đạo, điều hành kiểm tra, kiểm soát còn hạn chế, nhất là trong lĩnh vực giá. Việc nắm thông tin và dự báo chuyên sâu còn yếu và thiếu cả đầu mối chất lượng thông tin. Chưa có bộ phận cập nhật cơ sở dữ liệu... Bên cạnh đó, mặc dù việc chỉ đạo tổ chức kiểm tra đã hướng vào trọng tâm, trọng điểm, nhưng chưa làm được nhiều, mới dừng lại ở một số địa bàn. Đặc biệt, công tác tổ chức phối hợp liên ngành giữa các cơ quan chức năng chưa làm được nhiều; chưa có sự tổng kết đánh giá cụ thể giữa các cơ quan chức năng... Đối với lực lượng QLTT, có không ít khó khăn khiến công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường còn hạn chế, như: Lực lượng còn mỏng, chưa được trang bị phù hợp, trang thiết bị làm việc còn thiếu... Trong khi đó, diễn biến thị trường ngày càng phức tạp, các vụ việc đột xuất, mới phát sinh có xu hướng tăng. Mặt khác, do thị trường hàng hóa lưu thông trong suốt cả nước, trong khi việc thực thi của lực lượng QLTT bị giới hạn địa giới hành chính giữa các địa phương cũng gây khó khăn không nhỏ trong công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường. Hiện nay, nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, sự lưu thông hàng hóa từ nước ngoài vào thị trường nội địa, đến các bản trung tâm và cả vùng sâu, vùng xa khá thông suốt, nên các hoạt động buôn lậu, vận chuyển hàng cấm, kinh doanh hàng giả và gian lận thương mại luôn gắn kết với nhau, không có sự tách bạch... cũng gây khó khăn cho lực lượng chức năng. Dự báo 2013 vẫn là năm đầy khó khăn, tình trạng hàng lậu, hàng giả, gian lận thương mại vẫn tiếp tục gia tăng. Lực lượng QLTT có những đổi mới gì trong công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường? Công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại là một lĩnh vực lớn, liên quan đến hoạt động kinh doanh của hàng ngàn doanh nghiệp, hàng triệu hộ kinh doanh trên cả nước, đòi hỏi phải có sự quản lý của nhiều bộ, ngành và các địa phương. Trong phạm vi chức năng được giao, lực lượng QLTT sẽ tiếp tục đổi mới, hoàn thiện lực lượng. Thứ nhất, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của các cấp, đẩy mạnh tính chủ động, sáng tạo trong công tác phòng chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại. Thứ hai, nâng cao chất lượng hiệu quả của công tác QLTT cả nước, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 14/CT- BCT của Bộ Công Thương để nâng cao ý thức trách nhiệm và năng lực cho lực lượng. Tập trung kiểm tra có trong tậm, trọng điểm đối với các mặt hàng thiết yếu ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất trong nước... Cùng với việc đổi mới, nâng cao chất lượng của đội ngũ công chức, viên chức QLTT, Cục QLTT tiếp tục thực hiện các công tác xây dựng chính sách pháp luật như: Tham gia xây dựng nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại và trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu, khí hóa lỏng; tổ chức lực lượng đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại trên mọi lĩnh vực; đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế với các nước trong khu vực, phục vụ công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, đào tạo nguồn nhân lực, chia sẻ thông tin, học hỏi kinh nghiệm về chống buôn lậu, phát hiện hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ... Xin cảm ơn ông! Báo Công thương
Hội nghị ngành Công Thương 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc lần thứ IX: Bộ Công Thương sát cánh cùng địa phương hoàn thành kế hoạch
Chùm ảnh: Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên thăm quan gian hàng xúc tiến nông sản tại Hưng Yên