20/09/2022 | lượt xem: 4 Tiết kiệm năng lượng bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng trong bối cảnh mới Nhằm góp phần thực hiện tốt các cam kết tại Hội nghị COP26 và theo tinh thần của Nghị quyết số 140/NQ-CP ngày 02 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Bộ Công Thương, Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài - Bộ Ngoại giao mới đây đã tổ chức Diễn đàn Công nghệ và Năng lượng Việt Nam 2022 với chủ đề “Giải pháp tiết kiệm năng lượng bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng trong bối cảnh mới”. Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An và Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng đồng chủ trì diễn đàn, với sự tham dự của trên 600 đại biểu trong nước và quốc tế. Việt Nam là quốc gia xếp thứ sáu trên thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề do biến đổi khí hậu, đồng thời có tổng lượng phát thải khí nhà kính hàng năm lớn. Theo báo cáo Triển vọng năng lượng Việt Nam năm 2021 đã nêu, nước ta có nhiều tiềm năng chuyển đổi xanh để trở thành một nền kinh tế có mức phát thải carbon ròng bằng không vào năm 2050 như Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã cam kết tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26). Theo đó, Việt Nam sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước phát triển, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ, trong đó có thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris, để đạt mức phát thải ròng bằng không vào năm 2050. Trên thế giới, các cuộc xung đột chiến tranh, tình trạng khẩn cấp về khí hậu diễn ra thường xuyên và nghiêm trọng hơn, những tác động của hiện tượng ấm lên, nước biển dâng, cháy rừng, lũ lụt đang ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh năng lượng, lương thực, nguồn nước, đến sự phát triển bền vững, thậm chí đe doạ sự tồn vong của nhiều quốc gia và cộng đồng dân cư. Tại báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu tháng 6/2022, Ngân hàng thế giới nhận định sau hơn 2 năm đại dịch, cùng với tác động lan toả từ cuộc xung đột giữa Nga và Ukraina, hoạt động kinh tế toàn cầu giảm mạnh, dự kiến chỉ đạt 2,9% năm 2022, một trong những lý do là giá năng lượng ngày một tăng, tình trạng thiếu hụt và giá các nguyên liệu đầu vào tăng cao đã xảy ra trong các chuỗi giá trị toàn cầu, dẫn tới sản xuất đình trệ và giá sản xuất tăng lên. Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An khẳng định, chủ đề về công nghệ- năng lượng được đưa ra rất phù hợp trong bối cảnh hiện nay khi Việt Nam đang nỗ lực xây dựng kế hoạch đảm bảo hai mục tiêu lớn, một là đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia cung cấp đủ điện cho yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Song song đó Việt Nam cũng tiếp tục với mục tiêu lớn hơn mà Chính phủ Việt Nam đã cam kết hướng tới phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Thứ trưởng Đặng Hoàng An cho rằng, để đảm bảo nguồn cung năng lượng cho các nền kinh tế quốc dân trong khu vực và trong đó có Việt Nam hiện nay, một trong các giải pháp để bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia mà Bộ Công Thương và Bộ Khoa học- Công nghệ cùng nhất trí là giải pháp tiết kiệm năng lượng, hay nói rộng hơn là sử dụng năng lượng một cách tiết kiệm, hiệu quả là giải pháp rẻ nhất để tăng cường nguồn cung cho hệ thống năng lượng. Tại phiên thảo luận thứ nhất của diễn đàn, ông Trịnh Quốc Vũ - Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) cho hay, trong tương lai, các nguồn năng lượng sơ cấp sẽ không đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ năng lượng của nền kinh tế. Tổng nhu cầu năng lượng trong giai đoạn 2001-2010 đã tăng trung bình 10% và tăng 7% trong giai đoạn 2011-2019. Việt Nam đã nhập khẩu than cho phát điện và sẽ nhập khẩu LPG từ năm 2023. Hiện tại, phát thải khí nhà kính từ ngành năng lượng chiếm khoảng 63% tổng phát thải của Việt Nam năm 2010 và sẽ chiếm khoảng 73% và 80% vào năm 2030 và 2045. Báo cáo của Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững cũng đề cập, tổng số lượng cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm trên toàn quốc năm 2020 là 2.961 cơ sở; trong đó, 2.480 cơ sở sản xuất công nghiệp có mức tiêu thụ năng lượng tổng cộng trong một năm quy đổi ra 1.000 tấn dầu tương đương (1.000 TOE) trở lên. Thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều văn bản, chính sách trong tiết kiệm điện nhằm huy động mọi nguồn lực trong nước và quốc tế cho thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả thông qua việc triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý nhà nước, hỗ trợ kỹ thuật, nghiên cứu khoa học công nghệ và phát triển sản phẩm, chuyển đổi thị trường, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực. Theo ông Trịnh Quốc Vũ, các chính sách cũng tập trung hình thành thói quen tiết kiệm năng lượng trong mọi hoạt động xã hội; giảm cường độ năng lượng trong các ngành nghề, lĩnh vực kinh tế, nhất là các cơ sở sử dụng năng lượng và các ngành kinh tế trọng điểm tiêu thụ nhiều năng lượng, hướng tới đạt mức tiết kiệm năng lượng 8 - 10% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc. Tuy nhiên, việc tiết kiệm năng lượng vẫn chưa đạt như kỳ vọng. Tại diễn đàn, đại diện các doanh nghiệp tham gia diễn đàn cũng đề xuất các ngành chức năng xây dựng những nhiệm vụ khoa học và công nghệ có quy mô lớn nhằm giải quyết trực tiếp các bài toán thực tiễn với sự tham gia của các Tập đoàn, Tổng công ty và doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực năng lượng. Ngoài ra tập trung nguồn lực hỗ trợ phát triển, ứng dụng và chuyển giao công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực năng lượng tái tạo; công nghệ lưu trữ năng lượng; hệ thống truyền tải điện năng, nhất là công nghệ tiên tiến trong sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Diễn đàn Công nghệ và Năng lượng Việt Nam 2022 đã đưa ra bức tranh tổng quan về nhu cầu năng lượng của Việt Nam trong bối cảnh xu hướng chuyển dịch năng lượng trên thế giới; Tiếp nhận ý kiến đóng góp từ chuyên gia, cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp trong nước và quốc tế; Đề xuất các giải pháp xây dựng hoàn thiện chính sách ứng dụng, phát triển, chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển năng lượng bền vững. https://moit.gov.vn/tin-tuc/su-dung-nang-luong-tiet-kiem-va-hieu-qua/tiet-kiem-nang-luong-bao-dam-vung-chac-an-ninh-nang-luong-trong-boi-canh-moi.html
Thực hiện tiết kiệm điện; bảo đảm cung cấp điện an toàn, ổn định, nhất là trong giai đoạn nắng nóng cao điểm, dịp nghỉ lễ