Thương hiệu bánh tẻ Phụng Công

Bánh tẻ một loại bánh truyền thống không thể thiếu trong mỗi mâm cơm ngày Tết của người dân quê đồng bằng Bắc bộ, bên cạnh bát thịt nấu đông, măng gà, bánh chưng, xôi gấc. Bánh tẻ Phụng Công (bánh răng bừa) thứ đặc sản mà ai một lần thưởng thức đều tấm tắc khen ngon. Bất cứ ai đi xa quê cũng không thể quên được cái mùi thơm thoang thoảng của món “quê mùa” này. Đặc sản nổi tiếng Bánh tẻ được người dân thôn Bến (xã Phụng Công - Văn Giang) nơi mệnh danh là cái nôi của lệ gói bánh tẻ nay phát triển thành làng nghề đã đăng ký bản quyền Thương hiệu sản phẩm tại Cục Sở hữu trí tuệ.

Nằm cách Hà Nội chưa đầy 15km, xã Phụng Công, thị trấn Văn Giang không chỉ được biết với nghề ươm trồng cây cảnh truyền thồng, mà còn nổi tiếng với nghề làm bánh tẻ. Từ Hà Nội đi dọc con đường ven đê sông Hồng qua làng gốm Bát Tràng về đầu xã Phụng Công, đã thấy khắp xóm làng thôn bến những làn khói nghi ngút, bốc thơm lừng mùi lá chuối, lá dong quê xen lẫn hương bột gạo tẻ tỏa ra từ các quầy hàng, đại lý bán bánh tẻ nằm bên cạnh đường. Nghề làm răng bừa ở đây đã có từ rất lâu, trải qua nhiều thế hệ, gìn giữ và xây dựng thương hiệu bánh tẻ Phụng Công ngày càng được nhiều bạn bè gần xa biết đến.

Ghé thăm một vài cơ sở sản xuất bánh răng bừa, tôi được chứng kiến không khí lao động hăng say nhộn nhịp của hàng chục thợ làm bánh tại mỗi xưởng, người ra vào đặt mua bánh tấp nập. Qua tìm hiểu tại một số gia đình làm bánh răng bừa, tôi được chia sẻ một số bí quyết gia truyền làm bánh nơi đây: Để cho bánh tẻ được thơm, dẻo thì loại gạo được chọn phải là gạo tám thơm hoặc gạo tám xoan Hải Hậu. Gạo phải ngâm mục, xay cùng với nước vôi trong tôi từ khoảng 3 đến 4 tháng trước đó, rồi chưng bột cho chín đều, đến lúc dẻo thì bỏ ra đánh nhuyễn sao cho thật quánh và dai. Nhân làm bằng mộc nhĩ, thịt lợn, nấm hương và hành băm nhỏ trộn với gia vị rồi xào chín. Bánh là sự kết tinh của những sản phẩm từ đồng quê; hạt gạo tẻ, thịt lợn băm nhỏ, hành khô, mộc nhĩ và gói bằng lá dong để tạo nên mùi thơm hương vị quê đặc trưng cho bánh. Đặc điểm chung của bánh răng bừa Phụng Công là khi bóc ra rất ráo, không dính tay, khi ăn có thể chấm với tương ớt, nước mắm ngon hay tương theo sở thích và khẩu vị từng người. Cắn miếng bánh thấy giòn nhưng lại dai, cái đặc biệt mà các loại bánh tẻ khác không có được. Mùi gạo tẻ đưa lên thơm mùi cơm mới, cái thơm của hành, ngọt của thịt, giòn của mộc nhĩ lan rất nhanh.
Đến cơ sở sản xuất bánh tẻ của gia đình Trương Thị Tố Tâm - một trong những xưởng làm bánh có tiếng ở thôn Bến, chị cho biết: “Thường ngày gia đình chị làm khoảng 20kg gạo và 8kg thịt nên chỉ phải thuê một nhân công gói bánh với mức thù lao 20.000 đồng/100 bánh. Nhưng vào mỗi dịp lễ, tết và mùa cưới, khách hàng đặt nhiều, gia đình phải thuê từ 5 – 10 nhân công mới kịp làm bánh giao cho khách hàng”. Chị Tâm cũng chia sẻ: Sản phẩm báng răng bừa truyền thống của làng đã được đăng ký bản quyền nên không xảy tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các gia đình làm nghề trong làng và ngoài làng. Các hộ sản xuất trong khu vực chỉ cạnh tranh về chất lượng sản phẩm, do đó bánh tẻ của làng ngày một ngon hơn, bán được nhiều hơn. Ngày bình thường gia đình cũng bán được 3.000- 5.000 bánh tại quầy hàng lề đường, chưa kể hóa đơn khách đặt hàng từ trước.

Hiện nay, ở xã Phụng Công có đến hơn 100 hộ gia đình làm cơ sở sản xuất bánh răng bừa, thu hút vài trăm lao động với mức thu nhập bình quân trên 3,5 triệu đồng/người/tháng. Trung bình mỗi ngày, một lao động có thể gói được 1.200-1.500 chiếc bánh. Nghề truyền thống của địa phương ngày một phát triển, tạo thêm được nhiều việc làm cho lao động nơi đây. Hầu hết các gia đình trong xã chuyển sang làm bảnh tẻ đã trở nên khá giả, giàu có hơn.

Từ khi sản phẩm đăng ký bản quyền thương hiệu, ngoài bán hàng trực tiếp tại quầy lề đường, đã có nhiều siêu thị, nhà hàng, khách sạn lớn ở Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Sài Gòn về đặt hàng tại đây. Thậm chí có nhiều bà con Việt kiều khi về nước thăm gia đình vào mỗi dịp tết đã mua bánh sang để làm quà biếu bạn bè và người thân. Ban đầu chỉ với số lượng ít, nhưng rồi thấy nhiều người nước ngoài cũng rất thích ăn bánh nên cơ sở đã có ý tưởng mở đại lý phân phối bánh răng bừa tại nước ngoài. Dần dần từ đó, bánh đã được xuất khẩu đi các nước Thái Lan, Đài Loan, Thụy Điển,…và được nhiều người ưa chuộng, số lượng xuất khẩu vì thế không ngừng tăng lên. Giá trị của mỗi chiếc bánh cũng tăng gấp nhiều lần.

Trong khi, có rất nhiều làng nghề Việt Nam đang điêu đứng vì sản xuất hàng hóa ra không tìm nơi tiêu thụ, thì thương hiệu Bánh tẻ Phụng Công đã tìm được hướng xuất ngoại mở rông thị trường. Bài học ở Phụng Công cho thấy, muốn phát triển, trước hết các làng nghề phải biết giữ gìn thương hiệu và nâng cao uy tín chất lượng sản phẩm trên thị trường. Hy vong, trong tương lai sẽ có nhiều làng nghề ở các địa phương khác cũng xây dựng thương hiệu được như Bánh tẻ Phụng Công. Có như vậy làng nghề Việt mới ngày một bền vững.

Tạp chí Công nghiệp

Tin liên quan

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử






Gửi đánh giá Xem kết quả
77 người đang online