29/12/2012 | lượt xem: 2 Thuốc lá nhập lậu: Càng chống càng sống khỏe! Mỗi năm, vấn nạn thuốc lá lậu gây thất thu ngân sách, chảy máu ngoại tệ hàng trăm triệu USD. Nếu không kiểm soát được nạn buôn lậu thuốc lá, khi Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá có hiệu lực (1/3/2013), ngành công nghiệp thuốc lá nội địa bị kiểm soát chặt hơn, sẽ tạo cơ hội cho thuốc lá lậu bành trướng. “Chảy máu” ngoại tệ Theo ông Phạm Kiến Nghiệp - Tổng thư ký Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam - năm 2012, buôn lậu thuốc lá gia tăng mạnh. Nếu như năm 2011, lượng thuốc lá nhập lậu khoảng 750 triệu bao thì năm 2012 dự kiến tăng lên khoảng 900 triệu bao (chiếm 24,2% tổng sản lượng tiêu thụ nội địa). Năm 2012, thuốc lá lậu khiến sản xuất trong nước thiệt hại 17.000 tấn nguyên liệu, theo đó, hơn 43.000 lao động mất việc làm trong 4- 5 tháng, thiệt hại lợi nhuận của khu vực sản xuất nguyên liệu thiệt hại khoảng 170 tỷ đồng, của ngành công nghiệp sản xuất thuốc lá điếu khoảng 900 tỷ đồng cộng thêm 180.000 công nhân mất việc làm. Bên cạnh đó, các ngành phụ trợ cũng bị thiệt hại nặng nề về sản xuất đầu lọc, in ấn bao bì. “Mỗi năm, thuốc lá nhập lậu làm thất thu ngân sách khoảng 4.320 tỷ đồng, chảy máu ngoại tệ khoảng 450 triệu USD” - ông Nghiệp nhấn mạnh. Mỗi năm, thuốc lá nhập lậu làm thất thu ngân sách khoảng 4.320 tỷ đồng, chảy máu ngoại tệ khoảng 450 triệu USD. Tình trạng buôn lậu thuốc lá gia tăng là do đường biên giới Việt Nam giáp với Campuchia và Lào rất dài. Các đường mòn, lối tắt qua biên giới khó kiểm soát, nhất là vùng giáp ranh các tỉnh miền tây với Campuchia được thông thương dễ dàng. Chính vì vậy, các tổ chức buôn lậu dễ vượt qua các trạm kiểm soát. Tuy nhiên, ông Nghiệp cho rằng, lợi nhuận là nguyên nhân chính khiến nạn buôn lậu thuốc lá gia tăng. Nếu vận chuyển trót lọt 1 bao thuốc lá Jet vào thị trường nội địa sẽ có lợi nhuận 4.000- 5.000 đồng. Theo tính toán của các tổ chức chống buôn lậu thuốc lá quốc tế, nếu 10 chuyến thuốc lá mà mất 9 chuyến vẫn có lãi. Chính sách bất cập Theo Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam, các cơ quan quản lý nhà nước đã ban hành nhiều giải pháp cũng như triển khai nhiều đợt truy quét thuốc lá lậu, nhưng vẫn còn nhiều bất cập trong công tác kiểm soát, sự phối hợp các lực lượng chức năng chưa chặt chẽ. Bên cạnh đó, một số chế tài xử lý vận chuyển thuốc lá nhập lậu chưa phát huy tác dụng. Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1112/QĐ- TTg về việc thực hiện thí điểm tái xuất thuốc lá còn chất lượng tốt nhập lậu bị tịch thu và thực hiện qua cửa khẩu quốc tế... Tuy nhiên, việc tái xuất thuốc lá thẩm lậu, quay vòng lại tiếp diễn như trước. Bởi thực tế, thuốc lá nhập lậu vào nước ta chiếm đến 90% là Jet và Hero, được sản xuất tại Indonesia và chỉ tiêu thụ được ở thị trường Việt Nam. Các nước trong khu vực và ngay chính cả nước sản xuất cũng không sử dụng loại thuốc này. Ngoài ra, thuốc lá khi muốn tái xuất sang nước khác chính thức thì phải in bằng tiếng nước nhập khẩu nên rất khó tìm được thị trường thích hợp. Chính vì vậy, việc tái xuất gần như bất khả thi. Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá sẽ siết chặt hơn ngành công nghiệp sản xuất thuốc lá nội địa để tiến tới giảm cầu với nhiều biện pháp: Tăng giá thuốc lá; quản lý sản lượng toàn ngành; ghi cảnh báo sản xuất trên bao bì thuốc lá bằng chữ và hình ảnh; người tiêu dùng phải thêm khoản đóng góp vào Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá... Việc siết chặt ngành sản xuất thuốc lá nội địa, trong khi chưa kiểm soát được thuốc lá nhập lậu đã vô tình tạo thêm “mảnh đất màu mỡ” cho thuốc lá nhập lậu phát triển mạnh hơn.“Nếu không kiểm soát được thuốc lá nhập lậu, khi luật có hiệu lực, năm 2013, thuốc lá nhập lậu sẽ vượt qua 25% trong thị phần tiêu thụ nội địa”- ông Nghiệp ước tính. Báo CôngThương