Thực hiện tiết kiệm điện; bảo đảm cung cấp điện an toàn, ổn định, nhất là trong giai đoạn nắng nóng cao điểm, dịp nghỉ lễ

Để hệ thống lưới điện truyền tải quốc gia, lưới điện phân phối trên địa bàn tỉnh vận hành an toàn liên tục, nhất là trong giai đoạn cao điểm nắng nóng và dịp nghỉ lễ, ngày 26/4, UBND tỉnh ban hành Văn bản số 1123/UBND-KT2 về việc thực hiện tiết kiệm điện; bảo đảm cung cấp điện an toàn, ổn định, nhất là trong giai đoạn nắng nóng cao điểm, dịp nghỉ lễ. UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị triển khai, thực hiện một số nội dung sau:

1. Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; UBND huyện, thị xã, thành phố 

- Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 08/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023-2025 và các năm tiếp theo; các Kế hoạch của UBND tỉnh: Số 107/KH-UBND ngày 26/6/2023 về việc thực hiện Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 08/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023-2025 và các năm tiếp theo; số 48/KH-UBND ngày 04/4/2020 về việc thực hiện Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2030. 

- UBND huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân, các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn chấp hành nghiêm Luật Điện lực và Nghị định số 14/2014/NĐ-CP, Nghị định số 51/2020/NĐ-CP ngày 21/4/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 14/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Điện lực về an toàn điện; tuyên truyền, nâng cao nhận thức về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, an toàn, phòng, chống cháy, nổ cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn nhằm tránh xảy ra tai nạn điện, phòng, chống cháy, nổ; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tăng cường công tác kiểm tra, xử phạt nghiêm đối với hành vi vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp trên địa bàn quản lý.

2. Công ty Điện lực Hưng Yên, các đơn vị bán lẻ điện 

- Bảo đảm việc cung cấp điện cho các phụ tải theo thứ tự ưu tiên tại Quyết định số 2750/QĐ-UBND ngày 26/12/2023 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Phương án Cung ứng điện năm 2024 khi hệ thống điện quốc gia thiếu nguồn điện hoặc vận hành trong các chế độ cực kỳ khẩn cấp. Trường hợp phải thực hiện ngừng, giảm cung cấp điện tại Điều 5, Điều 6 của Thông tư số 22/2020/TT-BCT ngày 09/9/2020 của Bộ Công Thương, Công ty Điện lực Hưng Yên phải thông báo cụ thể các khu vực, thời gian thực hiện ngừng, giảm cung cấp điện theo đúng quy định cho khách hàng biết trước để chủ động kế hoạch sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và sinh hoạt của người dân. Hạn chế tối đa việc ngừng, giảm cung cấp điện vào ban đêm và thời gian nắng nóng cao điểm trong ngày, tránh gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của các hộ gia đình, trừ những trường hợp bất khả kháng. 

- Phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Hưng Yên và chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng đến tất cả các đối tượng khách hàng về an toàn điện, an toàn, phòng, chống cháy, nổ, các giải pháp sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội. 

- Chỉ đạo Điện lực huyện, thị xã, thành phố phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các hộ gia đình, doanh nghiệp tiêu thụ điện lớn, các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm, kinh doanh dịch vụ thực hiện các biện pháp tiết kiệm năng lượng, sử dụng các thiết bị điện hợp lý, giảm công suất vào giờ cao điểm. 

- Theo dõi, giám sát chặt chẽ biểu đồ phụ tải của các khách hàng sử dụng điện lớn, cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm trên địa bàn tỉnh. Chỉ đạo Điện lực trực thuộc làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp có mức tiêu thụ điện lớn (cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp,...) để vận động, khuyến khích thực hiện chương trình điều chỉnh phụ tải. 

- Định kỳ kiểm tra hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp, các thiết bị điện đang vận hành; phát quang, tỉa cây nằm trong phạm vi bảo vệ an toàn lưới điện cao áp; đầu tư, cải tạo các đường dây đã xuống cấp để bảo đảm vận hành lưới điện an toàn, ổn định. 

- Xây dựng, triển khai phương án ứng phó với tình hình thiên tai, nắng nóng diễn biến phức tạp trong thời gian tới, bảo đảm cung cấp điện an toàn, ổn định, đặc biệt cho các phụ tải quan trọng. 

3. Đài Phát thanh và Truyền hình Hưng Yên, Báo Hưng Yên 

- Dành thời lượng phát sóng, đăng tải các tin, bài tuyên truyền, phổ biến nội dung Luật Điện lực và các Nghị định: Số 14/2014/NĐ-CP ngày 26/2/2014; số 51/2020/NĐ- CP ngày 21/4/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 14/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Điện lực về an toàn điện.

- Xây dựng chuyên mục tuyên truyền về thực hiện tiết kiệm trên địa bàn tỉnh; tăng cường các bài viết thông tin về các chủ trương, chính sách của Chính phủ, UBND tỉnh, ngành điện trong việc thực hiện tiết kiệm điện, đặc biệt là trong giai đoạn cao điểm nắng nóng của năm 2024. 

- Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về an toàn phòng, chống cháy, nổ và những khó khăn trong việc cung ứng điện, đặc biệt trong mùa khô năm 2024 để người dân, doanh nghiệp biết, chia sẻ khó khăn với ngành điện, sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.

4. Đề nghị Truyền tải điện Hà Nội, Truyền tải điện Đông Bắc 2 

- Phối hợp với chính quyền địa phương, Đài Phát thanh và Truyền hình Hưng Yên, Báo Hưng Yên đẩy mạnh tuyên truyền về an toàn điện. 

- Tăng cường kiểm tra định kỳ đường dây, trạm biến áp và hành lang tuyến, kịp thời phát hiện, ngăn ngừa các vi phạm hành lang an toàn lưới điện như: Cây đổ, các phương tiện cơ giới va chạm gây sự cố đường dây, thả diều, đốt rơm rạ,...

5. Các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm, khách hàng sử dụng điện lớn 

- Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 08/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023-2025 và các năm tiếp theo; các Kế hoạch của UBND tỉnh: Số 107/KH-UBND ngày 26/6/2023 về việc thực hiện Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 08/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023-2025 và các năm tiếp theo; số 48/KH-UBND ngày 04/4/2020 về việc thực hiện Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021- 2030. 

- Thực hiện các chương trình điều chỉnh phụ tải điện tự nguyện (DR) theo Thông tư số 23/2017/TT-BCT ngày 16/11/2017 của Bộ Công Thương, khi có thông báo của đơn vị điện lực. 

- Xây dựng, thực hiện các giải pháp sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả như: Bảo đảm sử dụng đúng công suất và biểu đồ phụ tải; thực hiện kế hoạch sản xuất hợp lý; hạn chế tối đa việc huy động các thiết bị, máy móc có công suất tiêu thụ điện lớn vào giờ cao điểm; hạn chế tối đa các thiết bị điện hoạt động không tải. 

- Cơ sở sử dụng năng lượng có điện năng tiêu thụ từ 1.000.000 kWh/năm trở lên phải tiết kiệm ít nhất 2% điện năng tiêu thụ trên một đơn vị sản phẩm mỗi năm hoặc phải tiết kiệm ít nhất 2% tổng điện năng tiêu thụ trong năm; rà soát, chấn chỉnh việc chấp hành Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, định mức tiêu hao năng lượng và các văn bản quy phạm pháp luật về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả có liên quan.

6. Người dân, khách hàng sử dụng điện, doanh nghiệp 

- Nghiêm túc thực hiện Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 08/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023-2025 và các năm tiếp theo. 

- Không đốt, bắn các loại pháo hoa, pháo sáng, pháo có giấy tráng kim loại, thả diều, bóng bay, vật bay các loại gần đường dây điện, trạm điện; 

- Không trồng cây cao dưới hành lang đường điện cao áp; chặt hạ các cây cao vi phạm khoảng cách an toàn lưới điện; các vật liệu nhẹ như bạt, nilon,... dùng để che chắn vật tư, máy móc thiết bị cần được chằng buộc, giữ chắc chắn để bảo đảm khi có dông lốc, gió bão không bị cuốn bay lên đường dây gây sự cố lưới điện.

- Không đốt cây, rơm rạ, rác thải gần hành lang công trình điện; thực hiện tốt công tác phòng cháy, chữa cháy, tuyệt đối không được để các vật tư, vật liệu có tính chất cháy nổ gần hành lang đường dây dẫn điện.

- Nghiêm cấm mọi hành vi xâm phạm các công trình điện, hành lang an toàn lưới điện cao áp như: Tháo trộm thiết bị điện, leo trèo lên cột điện, đào, đắp đất, xếp các loại vật liệu gây sụt lún công trình,... Không di chuyển, sử dụng các phương tiện máy móc, thiết bị có chiều cao lớn dưới đường dây; không thi công các công trình trong hành lang lưới điện hoặc mang vác các vật cồng kềnh có nguy cơ vi phạm hành lang lưới điện cao áp.

- Đối với các công trình, nhà xưởng, nhà ở được phép tồn tại trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây phải bảo đảm đủ các điều kiện theo quy định tại Điều 13 Nghị định số 14/2014/NĐ-CP ngày 26/2/2014 của Chính phủ, đồng thời phải có biện pháp gia cố, chằng buộc chắc chắn các mái tôn, vách tôn và các vật liệu nhẹ khác để tránh trường hợp khi dông lốc, gió bão cuốn bay lên đường dây gây sự cố lưới điện. Yêu cầu các cơ quan, doanh nghiệp, người dân trước khi thi công các công trình trong, gần hành lang lưới điện phải liên hệ với đơn vị quản lý lưới điện để thỏa thuận và hướng dẫn về công tác an toàn điện theo quy định.

https://baohungyen.vn/thuc-hien-tiet-kiem-dien-bao-dam-cung-cap-dien-an-toan-on-dinh-nhat-la-trong-giai-doan-nang-nong-cao-3171707.html

Tin liên quan

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử






Gửi đánh giá Xem kết quả
110 người đang online