Thủ tướng chỉ đạo 4 nhiệm vụ trọng tâm cho ngành Công Thương

Ngày 11/1, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2013 của ngành Công thương, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao và biểu dương sự nỗ lực phấn đấu cố gắng lớn của ngành Công Thương trong năm vừa qua, đặc biệt trong bối cảnh rất nhiều khó khăn và thách thức.

Thủ tướng đánh giá, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, tuy chỉ số sản xuất công nghiệp tăng thấp hơn năm trước nhưng so từ đầu năm thì chỉ số này tăng theo từng quý, quý sau cao hơn quý trước và cả năm tăng 4,8%, góp phần quan trọng giúp Việt Nam đạt GDP năm 2012 là 5,03% so với giá 1994, nếu tính giá cố định năm 2010 là tăng 5,2%. Tuy chưa đạt kết quả đề ra như mong muốn nhưng trong điều kiện khó khăn chung của thế giới và trong nước, ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tốc độ tăng trưởng công nghiệp là khá.

Thủ tướng cho rằng, sản xuất công nghiệp cân đối lớn cho đất nước được đảm bảo. Nền công nghiệp ngày càng đi vào căn cơ, chuyển dịch công nghiệp tích cực hơn, công nghiệp chế biến chế tạo tăng lên, công nghiệp khai khoáng giảm mạnh, đảm bảo các cơ cấu lớn theo hướng ngày càng bền vững. Đó là xu thế tích cực. Ví dụ đảm bảo điện cho đất nước, ổn định hơn, không lo thiếu điện. Phân bón cũng đảm bảo cho nền nông nghiệp đất nước…và nhiều cân đối khác. Gắn với đó là chuyển dịch, công nghiệp chế tạo chế biến, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp giá trị gia tăng cao, công nghệ cao cũng phát triển. Ví dụ công nghiệp điện tử, điện thoại, viễn thông… những năm qua và năm 2012 cũng có bước phát triển.

Thủ tướng khen ngợi ngành Công thương đã giải quyết mạnh giảm hàng tồn kho. Nếu như từ đầu năm, hàng tổn kho trên 30-40% thì cuối năm đã giảm xuống 20%.

Về xuất khẩu, Thủ tướng nhấn mạnh, đây là năm khá tốt, tăng trưởng xuất khẩu trên 18%, vượt kế hoạch. Điều này thể hiện sức cạnh tranh rất lớn trong điều kiện khó khăn như hiện này vì tăng trưởng xuất khẩu trên 18% không phải nhiều quốc gia nào cũng đạt được. Đây chính là điểm sáng của nền kinh tế nước ta trong năm nay.

Thủ tướng cho rằng các doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ Công Thương đã tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả quản trị, góp phần nâng cao kết quả sản xuất kinh doanh.

"Có thể thấy, tình hình chung kinh tế, xã hội của Việt Nam trong năm vừa qua cơ bản thực hiện được mục tiêu tổng quát mà Đảng, Nhà nước đề ra, mà trong đó có đóng góp lớn của ngành Công Thương"- Thủ tướng nhận xét.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, Thủ tướng cũng chỉ ra một số hạn chế yếu kém. Đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp. “Các lĩnh vực công nghiệp lâu nay nói mãi về công nghệ cao, về chế tạo và phụ trợ, nhưng đến nay đã làm được bao nhiêu rồi? Nói đất nước đến 2020 phấn đấu cơ bản là nước công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhưng thực tế đến nay ngành chế tạo chẳng ra chế tạo, ô tô chẳng ra ô tô, tàu thủy chẳng ra tàu thủy... Ngành Công Thương phải cân nhắc lại xem có phải cần ngành công nghiệp ô tô, đóng tàu, chế tạo... như thế không? Phải xác định cái gì là thế mạnh của Việt Nam. Đơn cử, ngành đóng tàu đã có một bước tiến, nhưng để thành ngành có tính cạnh tranh, lợi thế vượt trội thì được chưa? Hay ngành công nghiệp điện tử trước đây phát triển mạnh, nhưng nay đang mai một…”- Thủ tướng nhấn mạnh.

4 nhiệm vụ trọng tâm cho ngành công thương

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận định, năm 2013 còn nhiều khó khăn, mà trước mắt là hàng tồn kho, nợ xấu của DN còn nhiều. Trong quá trình hội nhập, công tác quản lý XNK, quản lý thị trường còn nhiều vấn đề... Ngành cần nghiêm túc nhìn nhận những hạn chế để tìm giải pháp thích hợp cho thời gian trước mắt và cả lâu dài. Từ đó, Thủ tướng chỉ đạo ngành Công thương thực hiện 4 nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2013:

Thứ 1, ngành Công Thương cần tập trung tháo gỡ khó khăn, vừa trước mắt vừa lâu dài, để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phải làm thiết thực thông qua các hiệp hội ngành hàng… Chẳng hạn như về tiếp cận tín dụng, mở rộng thị trường, tiêu thụ hàng hóa… Để giải quyết hàng tồn kho, trước hết phải tập trung đẩy mạnh thị trường trong nước, tăng cường hỗ trợ cho các DN chế biến, tháo gỡ những vướng mắc về thủ tục tạo thuận lợi cho DN.

Hỗ trợ thị trường trong nước, riêng ngành Công Thương đã triển khai những giải pháp có mô hình rất tốt như mô hình ký kết tiêu thụ hàng giữa các DN với giá cả thích hợp, đưa hàng về nông thôn. Việc làm này phù hợp với việc cam kết quốc tế.

Thủ tướng yêu cầu ngành Công Thương cần quyết liệt làm tốt quản lý thị trường, bảo vệ hàng nội trước hàng lậu tràn ngập, hàng giả, kém chất lượng…

Về việc bảo đảm hàng hóa dịp Tết Nguyên đán Quý Tỵ, Thủ tướng yêu cầu ngành Công Thương phải gắn với kiểm soát lạm phát ngay từ đầu năm.Muốn kiểm soát giá, trước hết phải đủ hàng; nhanh chóng nhân rộng hệ thống hàng bình ổn giá trên cả nước. Đây là việc làm có lợi cho nước, cho dân. Không riêng gì dịp Tết, năm 2013 phải làm tốt việc này”- Thủ tướng chỉ đạo.

Thứ 2, yêu cầu tăng cường quản lý nhà nước, nâng cao hiệu quả xuất nhập khẩu, đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát tốt nhập khẩu. Năm nay đưa ra chỉ tiêu tăng xuất khẩu 10% để phấn đấu, tạo mọi điều kiện hỗ trợ cho DN đẩy mạnh xuất khẩu, tạo công ăn việc làm, tạo tăng trưởng, đồng thời kiểm soát chặt nhập khẩu. Thủ tướng nhấn mạnh: “Không được chủ quan, tự mãn với những thành tựu đã đạt được”.

Để làm được nhiệm vụ rất quan trọng này, các cơ quan quản lý cần tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn về thủ tục hành chính, vốn, thông tin thị trường, xúc tiến thương mại... cho DN, song song với chuyên nghiệp hóa trong công tác bảo vệ thị trường trong nước, chống chuyển giá, chống phá giá...

Thứ 3, Tái cơ cấu ngành kinh tế. Thủ tướng yêu cầu ngành Công Thương phải rà soát lại chiến lược phát triển, quy hoạch phát triển các ngành công nghiệp. Nếu tới năm 2020 Việt Nam cơ bản hoàn thành nước công nghiệp thì ngay bây giờ phải nhanh chóng xác định được ngành nào là xương sống, ngành nào có sức cạnh tranh. Đồng thời, phải tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty lớn thuộc Bộ Công Thương, ví dụ điện lực, dầu khí, xăng dầu, sắt thép, xi măng... đều là những ngành lớn, quan trọng của nền kinh tế.

Thứ tư, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương nâng cao hiệu quả chức năng quản lý nhà nước. Trong đó, cần đặc biệt quan tâm xây dựng thể chế chính sách hỗ trợ DN, nhất là về quản lý thị trường hàng hóa tiêu dùng, thị trường xăng dầu. Đặc biệt, Bộ cũng cần quan tâm việc giải trình giải đáp cung cấp thông tin cho người dân, như giá điện, giá xăng dầu... sẽ tiếp tục theo giá thị trường nhưng cần minh bạch, công khai hơn. Riêng ngành điện cần tính toán quy hoạch bảo đảm đủ điện cho đất nước, đi liền chất lượng đảm bảo ổn định, tiết kiệm điện, tiến tới đẩy nhanh tiến độ thực hiện thị trường điện cạnh tranh (bán buôn cạnh tranh, bán lẻ cạnh tranh) so với lộ trình, song vẫn phải đảm bảo minh bạch. Ngành xăng dầu phải xây dựng thị trường minh bạch, công khai giá thành, khuyến khích cạnh tranh để Việt Nam có thị trường xăng dầu hoàn thiện.

Tại Hội nghị, Thủ tướng còn lưu ý Bộ Công thương phải đặc biệt lưu ý về trách nhiệm, chức năng quản lý nhà nước của mình trong việc xây dựng thể chế, chính sách, nhất là phải đáp ứng được yêu cầu hội nhập quốc tế. Đồng thời, Bộ phải quan tâm việc giải đáp, giải trình, cung cấp thông tin cho nhà nước, nhân dân…

Báo Công Thương

Tin liên quan

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử






Gửi đánh giá Xem kết quả
75 người đang online