31/08/2016 | lượt xem: 4 Sở Công Thương tỉnh Hưng Yên triển khai thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 Thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 (gọi tắt là Nghị quyết 35), Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên đã xây dựng Chương trình hành động số 1333/Ctr-UBND ngày 28/6/2016 thực hiện Nghị quyết 35. Theo đó, các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu về hỗ trợ doanh nghiệp do Chính phủ xác định đã được cụ thể hóa trong điều kiện của tỉnh và được phân công, giao nhiệm vụ cụ thể cho các cấp chính quyền, các Sở, ngành, đơn vị có liên quan nhằm sớm đưa Nghị quyết 35 đi vào thực tiễn của tỉnh và phát huy hiệu quả thiết thực. Căn cứ Nghị quyết số 35 và Chương trình hành động số 1333/CTr-UBND ngày 28/6/2016 của UBND tỉnh Hưng Yên, Sở Công Thương đã ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP của Ngành với những nội dung chính sau: I-MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU 1. Nâng cao nhận thức trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, toàn Ngành về vai trò của doanh nghiệp trong phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ hỗ trợ và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. 2. Bám sát những nội dung được giao trong Chương trình hành động số 1333/CTr-UBND của UBND tỉnh, tích cực, chủ động phối hợp với các Sở ngành, địa phương đẩy mạnh tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp, giải quyết các vướng mắc tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển. 3. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước của Ngành đặc biệt là các hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm soát tạo môi trường sản xuất kinh doanh lành mạnh, bình đẳng góp phần nâng thúc đẩy doanh nghiệp phát triển. II- NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU 1. Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp - Tập trung triển khai hiệu quả Quyết định số 853/KH-SCT ngày 15/7/2016 về Kế hoạch thực hiện Nghị quyết 19-2016/NQ-CP ngày 28/4/2016 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016-2017, định hướng đến năm 2020 của Sở đã ban hành. Thường xuyên rà soát, cập nhật các quy định về thủ tục hành chính, đề xuất, kiến nghị bãi bỏ, sửa đổi các thủ tục hành chính không cần thiết hoặc quá rườm rà, phức tạp gây khó khăn cho doanh nghiệp thuộc phạm vi giải quyết của Sở Công Thương đảm bảo giảm tối thiểu 30% thời gian giải quyết các thủ tục hành chính so với quy định. Riêng thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực điện năng: rà soát toàn bộ các thủ tục, cập nhật, sửa đổi theo quy định và chỉ đạo mới nhất của Bộ Công Thương để công bố công khai và tổ chức thực hiện đúng theo yêu cầu về thời gian góp phần rút ngắn thời gian tiếp cận điện năng của doanh nghiệp xuống còn 35 ngày. - Triển khai Đề án xây dựng phần mềm cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 đối với các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Công Thương Hưng Yên đưa vào hoạt động thử nghiệm quý IV/2016 và chính thức hoạt động từ đầu năm 2017. - Duy trì và phát huy hiệu quả thiết thực việc áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9000: 2008; đổi mới và nâng cao chất lượng bộ phận "Một cửa" tại cơ quan Sở nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp đến liên hệ công tác và đảm bảo công khai, minh bạch trong giải quyết thủ tục hành chính. - Tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ công chức, viên chức trong ngành tham gia các khóa đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới về hội nhập quốc tế, kỹ năng công vụ, cập nhật hệ thống văn bản quy phạm pháp luật,... và trình độ lý luận chính trị nhằm năng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức trong ngành đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn đẩy mạnh hội nhập quốc tế. - Lãnh đạo Sở thường xuyên sâu sát cơ sở để lắng nghe ý kiến, nắm bắt thông tin, những vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp, kịp thời chỉ đạo hướng dẫn, tháo gỡ cho doanh nghiệp. 2. Tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo - Tiếp tục mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động khuyến công, chú trọng các hoạt động tư vấn, hỗ trợ đào tạo khởi sự doanh nghiệp, hỗ trợ thành lập doanh nghiệp sản xuất công nghiệp nông thôn, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp với những nội dung: Hỗ trợ chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến, hiện đại vào sản xuất; hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu sản phẩm mới, nghiên cứu cải tiến sản phẩm, cải tiến công nghệ; hỗ trợ đào tạo nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, năng lực đàm phán, đào tạo nâng cao trình độ tay nghề cho người lao động,...; hỗ trợ việc thành lập các hội, hiệp hội doanh nghiệp, ngành nghề, hình thành các chuỗi liên kết doanh nghiệp,... nhằm khuyến khích doanh nghiệp tích cực đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị máy móc, điều chỉnh chiến lược sản phẩm, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm. - Đổi mới, mở rộng nội dung hoạt động xúc tiến thương mại, chú trọng tư vấn và hỗ trợ doanh nghiệp về: nghiên cứu thị trường nhất là thị trường xuất khẩu, xây dựng và quảng bá thương hiệu, sản phẩm; marketing; hỗ trợ tổ chức và tham gia các hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước; tổ chức và hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia các hoạt động "Tuần lễ khuyến mại", "Tháng khuyến mại", “Đưa hàng Việt về nông thôn”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” nhằm kích thích tiêu dùng, thúc đẩy hoạt động thương mại trên địa bàn tỉnh. - Triển khai có hiệu quả Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", góp phần mở rộng thêm thị trường nội địa giúp các doanh nghiệp giảm thiểu hàng tồn kho, đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh. - Tiếp tục tuyên truyền, tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các hoạt động thương mại điện tử thông qua: tổ chức các khóa bồi dưỡng, cập nhật kiến thức về thương mại điện tử; hỗ trợ các doanh nghiệp thiết lập và sử dụng hệ thống thư điện tử với tên miền dùng riêng của doanh nghiệp; ứng dụng marketing trực tuyến nhằm xây dựng thương hiệu của doanh nghiệp trên môi trường internet. 3. Bảo đảm, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp: - Thực hiện tốt chức năng thanh tra chuyên ngành, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức tốt các hoạt động thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm, an toàn công nghiệp nhất là với các sản phẩm kinh doanh có điều kiện như: khí dầu mỏ hóa lỏng, xăng dầu, hóa chất; hoạt động điện lực và sử dụng điện tiết kiệm,... Đẩy nhanh việc kết hợp thanh tra, kiểm tra liên ngành, nhiều nội dung trong một đợt thanh tra, kiểm tra, trừ trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật rõ ràng, không gây phiền hà, hạch sách, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất - Lực lượng Quản lý thị trường tăng cường bám sát địa bàn, bám sát thị trường, đẩy mạnh các hoạt động trinh sát, nắm bắt tình hình nhằm kiểm soát và ngăn chặn hữu hiệu các hành vi buôn bán hàng nhập lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, vi phạm sở hữu trí tuệ, gian lận thương mại,.... kịp thời xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm. - Tiếp tục tổ chức tuyên truyền, phổ biến rộng rãi kiến thức về Hội nhập quốc tế, các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới nhất là các Hiệp định quan trọng như: hiệp định TPP, Hiệp định thương mại Việt Nam EU,... nhằm trang bị cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh những kiến thức mới về hội nhập, nâng cao khả năng đối phó và cạnh tranh trong môi trường hội nhập ngày càng sâu, rộng. - Phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các cơ quan của Bộ Công Thương kịp thời khai thác, cung cấp thông tin thị trường cho doanh nghiệp trong ngành đặc biệt là thị trường quốc tế tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp của tỉnh tham gia và hội nhập sâu hơn vào thị trường toàn cầu. Để tổ chức thực hiện có hiệu quả kế hoạch của Sở, Sở Công Thương đã phân công nhiệm vụ rõ nhiệm vụ tới từng phòng chuyên môn, đơn vị thuộc Sở, giao trách nhiệm cho Lãnh đạo Sở và mỗi Trưởng phòng chuyên môn, thủ trưởng đơn vị chỉ đạo, tham mưu tổ chức thực hiện Kế hoạch và chịu trách nhiệm trước Giám đốc Sở về kết quả thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp được nêu trong Kế hoạch. Cụ thể như: 1. Phòng Quản lý Công nghiệp chủ trì tham mưu cho Lãnh đạo Sở chỉ đạo Trung tâm Khuyến Công và Xúc tiến thương mại tổ chức thực hiện hiệu quả các Đề án khuyến công hỗ trợ doanh nghiệp, thực hiện thắng lợi kế hoạch Khuyến công năm 2016 và những năm tiếp theo. 2. Phòng Quản lý Thương mại chủ trì tham mưu cho Lãnh đạo Sở chỉ đạo Trung tâm Khuyến Công và Xúc tiến thương mại tổ chức thực hiện hiệu quả hoạt động Xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, quảng bá thương hiệu,... hoàn thành tốt Kế hoạch xúc tiến thương mại hàng năm được UBND tỉnh phê duyệt. 3. Phòng Quản lý Năng lượng chủ trì tham mưu cho Lãnh đạo Sở chỉ đạo, hướng dẫn Công ty Điện lực Hưng Yên thực hiện được mục tiêu về thời gian tiếp cận điện năng và các thủ tục hành chính khác liên quan đến hoạt động điện năng trên địa bàn tỉnh. 4. Thanh tra Sở chủ trì tham mưu xây dựng và tổ chức thực hiện Kế hoạch thanh tra của Sở, tham gia các Đoàn thanh tra liên ngành của Tỉnh, đặc biệt là việc ghép các nội dung cần thanh tra, kiểm tra vào cùng một đoàn thanh tra, hạn chế tối đa gây phiền hà cho doanh nghiệp. 5. Chi cục Quản lý thị trường chủ động xây dựng kế hoạch, tham mưu cho Lãnh đạo Sở chỉ đạo và tổ chức tốt các hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường, đấu tranh chống các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại, công nghiệp và các lĩnh vực khác được pháp luật giao trên địa bàn tỉnh. Với sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, sự trách nhiệm và kiên quyết của Lãnh đạo Sở, các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh nói chung và của Sở Công Thương nói riêng chắc chắn sẽ được cải thiện cả về chất lượng và hiệu quả, Sở Công Thương quyết tâm thực hiện thắng lợi Kế hoạch của Sở góp phần thực hiện thành công Chương trình của UBND Tỉnh và Nghị quyết 35 của Chính phủ. P.KHTCTH
Hội nghị ngành Công Thương 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc lần thứ IX: Bộ Công Thương sát cánh cùng địa phương hoàn thành kế hoạch
Chùm ảnh: Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên thăm quan gian hàng xúc tiến nông sản tại Hưng Yên