Phát triển kinh tế số
Trong những năm qua, tỉnh đã triển khai thực hiện một số chính sách nhằm thúc đẩy chuyển đổi hạ tầng viễn thông thành hạ tầng số, làm tiền đề để thúc đẩy phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Hạ tầng số với thành phần cốt lõi là hạ tầng viễn thông băng thông rộng đã kết nối đến từng hộ gia đình, cá nhân; hạ tầng điện toán đám mây, nền tảng định danh và xác thực số đã và đang được thúc đẩy phát triển, từ đó tạo nền tảng phát triển kinh tế số ở tất cả các lĩnh vực.
|
Ứng dụng công nghệ số để vận hành hệ thống máy móc tại Công ty cổ phần công nghiệp Việt Nhật HTVJ (Khu công nghiệp dệt may Phố Nối) |
Toàn tỉnh hiện nay có trên 3.000 doanh nghiệp có hoạt động sản xuất, kinh doanh liên quan đến chuyển đổi số; gần 400 doanh nghiệp có ngành nghề kinh doanh chính là điện tử viễn thông, công nghệ thông tin. Đây là những hạt nhân tạo nên sự chuyển biến rõ nét về chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Từ đó hình thành và phát triển nền kinh tế số.
Nếu như trước đây giao dịch chủ yếu bằng phương thức truyền thống từ các điểm chợ truyền thống thì đến nay, giao dịch điện tử đã phát triển mạnh mẽ. Thương mại điện tử đã có những chuyển biến rõ nét, được sử dụng, ứng dụng phổ biến trong cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp, góp phần nâng cao hiệu quả trong hoạt động quản lý, điều hành và hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội. Tỉnh ta đã xây dựng sàn thương mại điện tử (http://ecomhungyen.vn). Hiện nay, trên sàn giao dịch điện tử của tỉnh có 60 doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đăng ký tham gia với trên 150 sản phẩm trưng bày, bán. Ngoài ra, nhiều tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa chủ động, tích cực tham gia các sàn thương mại điện tử như: shopee; sendo, voso, postmart… Ông Bùi Xuân Tám, Giám đốc HTX nhãn lồng Nễ Châu (thành phố Hưng Yên) chia sẻ: Bên cạnh việc quan tâm nâng cao chất lượng sản phẩm, từ năm 2021, chúng tôi đã đưa các sản phẩm chủ lực của HTX lên sàn thương mại điện tử, mạng xã hội nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm tới đông đảo người tiêu dùng khắp nơi trên cả nước và ở nước ngoài. Nhờ vậy, thương hiệu, uy tín của HTX không ngừng vươn xa, góp phần thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm cũng như nâng cao giá trị sản phẩm trên thị trường. Nhiều sản phẩm của HTX đã được tiêu thụ ở các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng bán và giới thiệu sản phẩm trên cả nước.
Theo báo cáo của Sở Thông tin và Truyền thông, toàn tỉnh hiện nay có trên 10 nghìn doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử với trên 180 nghìn sản phẩm và gần 11 triệu giao dịch/năm. Doanh thu năm 2022 từ hoạt động kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử đạt trên 1,1 nghìn tỷ đồng.
Thanh toán điện tử cũng phát triển để hỗ trợ giao dịch điện tử. Hiện nay, hầu hết các đơn vị cung cấp dịch vụ điện, viễn thông chấp nhận thanh toán phí dịch vụ qua phương tiện điện tử. Ngoài ra, các siêu thị, trung tâm mua sắm và cơ sở phân phối hiện đại có sử dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Phần lớn người tiêu dùng đã hướng đến hình thức mua sắm trực tuyến thông qua các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội, các ứng dụng thương mại điện tử bán hàng và các website thương mại điện tử bán hàng... Đặc biệt, từ khi dịch Covid-19 bùng phát đến nay, người tiêu dùng có xu hướng tăng cường mua sắm trực tuyến, thanh toán trực tuyến. Các phương thức thanh toán trong thương mại điện tử đa dạng và tiện dụng cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng như: dịch vụ thu hộ của các doanh nghiệp bưu chính (dịch vụ COD), thanh toán qua tài khoản ngân hàng, ví điện tử, thẻ tín dụng… đã tạo điều kiện cho thương mại điện tử phát triển mạnh. Toàn tỉnh hiện nay đã có khoảng 86% dân số có tài khoản thanh toán ngân hàng; gần 60% doanh nghiệp xây dựng website giới thiệu về doanh nghiệp và sản phẩm của doanh nghiệp; 100% doanh nghiệp thực hiện nộp thuế điện tử, sử dụng hóa đơn điện tử… Đây là minh chứng thể hiện kinh tế số đang ngày càng phát triển.
|
Đại diện HTX nông nghiệp xanh Phố Hiến (thành phố Hưng Yên) liestream bán hàng nông sản trên sàn thương mại điện tử voso |
Mặc dù đã có những chuyển biến tích cực nhưng kinh tế số của tỉnh vẫn còn những hạn chế, chưa thực sự trở thành động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin hỗ trợ chuyển đổi số ít nên chưa hỗ trợ được nhiều cho các địa phương, doanh nghiệp trong chuyển đổi số; hạ tầng thanh toán điện tử, nhân lực thương mại điện tử và công nghệ còn hạn chế… Theo Đề án Chuyển đổi số tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh phấn đấu đến năm 2025, kinh tế số chiếm 20% GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn); tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; năng suất lao động bình quân hằng năm tăng tối thiểu 7%; có 500 doanh nghiệp số… Đến năm 2030, kinh tế số chiếm 30% GRDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 20%; năng suất lao động hằng năm tăng tối thiểu 7,5%; phấn đấu có trên 1.000 doanh nghiệp số… Đồng chí Bùi Văn Sỹ, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: Để thực hiện mục tiêu trên, tỉnh xác định thúc đẩy phát triển kinh tế số với trọng tâm là phát triển doanh nghiệp công nghệ số, cung cấp sản phẩm công nghệ số, công nghiệp sáng tạo, kinh tế nền tảng, kinh tế chia sẻ, thương mại điện tử và sản xuất thông minh… qua đó thúc đẩy chuyển đổi số trong các doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế. Tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ cập ứng dụng thương mại điện tử và xây dựng hệ thống hạ tầng, nền tảng thương mại điện tử. Xây dựng kế hoạch thúc đẩy thanh toán điện tử trên địa bàn tỉnh phát triển. Hỗ trợ, cung cấp kiến thức, giải pháp số, quy trình chuyển đổi số cho doanh nghiệp và xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp tham gia chuyển đổi số…
Văn phòng Sở sưu tầm
https://baohungyen.vn/kinh-te/202302/phat-trien-kinh-te-so-8152599/