9 nội dung đề xuất để sửa đổi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả

Sau hơn mười năm được áp dụng và đưa vào cuộc sống, Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và Quyết định 68/2011/QĐ-TTg đã có tác động tích cực đến hoạt động tiết kiệm năng lượng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của cộng đồng trên phạm vi cả nước.

Ngày 28/10, tại Hà Nội, Hội Khoa học công nghệ sử dụng Năng lượng tiết kiệm và Hiệu quả (VECEA) đã tổ chức hội thảo tham vấn “Tình hình thực hiện và đề xuất nội dung sửa đổi Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và Quyết định 68/2011/QĐ-TTg”. Hội thảo là một trong số những hoạt động của VECEA phối hợp với Bộ Công Thương nhằm tham vấn chính sách về năng lượng.

Theo thông tin từ VECEA, mặc dù có nhiều kết quả khả quan sau khi Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và Quyết định 68/2011/QĐ-TTg có hiệu lực và được áp dụng nhưng trong quá trình thực thi cùng sự vận động của hoạt động tiết kiệm năng lượng trong giai đoạn phát triển mới, Luật cần phải phải nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Vì vậy, để phù hợp hệ thống pháp luật hiện hành và tình hình thực tế triển khai các Chương trình/Dự án tiết kiệm năng lượng hiện nay, cần phải tiến hành đề xuất bổ sung, sửa đổi nội dung Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Tại buổi Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận và nhất trí với 9 nội dung cần thay đổi, bổ sung để sửa đổi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả bao gồm:

Một là, tăng cường phân cấp, phân quyền và nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trong hoạt động SDNLTK&HQ. theo hướng tăng cường trách nhiệm giám sát của của các cơ quan chủ quản trong giám sát các đơn vị cấp dưới để nâng cao tính tuân thủ của Luật.

Hai là, bổ sung các quy định cụ thể về trình tự, thủ tục thực hiện kiểm toán năng lượng; nội dung, chương trình đào tạo, thẩm quyền cấp, công nhận, thu hồi, thời hạn của chứng chỉ quản lý năng lượng và kiểm toán viên năng lượng.

Ba là, quy định chi tiết hơn về việc xây dựng và áp dụng mô hình quản lý năng lượng tại các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm lĩnh vực công nghiệp xây dựng và giao thông vận tải.

Bốn là, xem xét điều chỉnh quy định mức sử dụng năng lượng đối với các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm hiện hành lĩnh vực công nghiệp và xây dựng dân dụng;

Năm là, bổ sung quy định cụ thể về nghĩa vụ thực hiện các quy định của Luật đối với các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm cho phù hợp với tình hình hiện nay.

Sáu là, bổ sung các quy định về pháp lý và pháp nhân cho hoạt động của mô hình ESCO phù hợp với hệ thống pháp luật của Việt Nam; quy định và hướng dẫn chi tiết các hoạt động chuyên môn đối với mô hình ESCO như: thu xếp vốn đầu tư, chia sẻ lợi nhuận, rủi ro đầu tư, cơ chế huy động vốn, các loại hợp đồng ESCO, cơ chế giám sát của bên thứ ba, v.v…

Bảy là, bổ sung, làm rõ các quy định về hỗ trợ thuế, hỗ trợ tài chính đối với hoạt động đầu tư thực hiện các giải pháp TKNL, các dự án nâng cấp, cải tạo dây chuyền sản xuất, mở rộng quy mô sản xuất bằng công nghệ tiết kiệm năng lượng.

Tám là, nghiên cứu, xây dựng Quỹ thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên cơ sở thúc đẩy mọi nguồn lực xã hội cả trong và ngoài nước để hỗ trợ triển khai các hoạt động HQNL, thúc đẩy phát triển thị trường HQNL tại Việt Nam.

Chín là, cung cấp vốn và trợ giúp kỹ thuật thông qua Công ty dịch vụ tư vấn năng lượng (ESCO) cho các dự án TKNL, thúc đẩy đầu tư TKNL thông qua các hình thức đa dạng khác nhau bao gồm đầu tư mạo hiểm, vốn tự có, thuê tài sản, tín dụng carbon, quỹ bảo lãnh tín dụng và trợ giúp kỹ thuật, Bổ sung danh mục các dự án đầu tư tiết kiệm năng lượng vào các dự án được cấp tín dụng xanh, v.v…

Đóng góp các đề xuất và kiến nghị, đại diện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã cho biết về tình hình thực hiện Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và Quyết định 68 nhìn từ góc độ Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Theo đó, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về SDNLTK&HQ, TKĐ chưa thực hiện thường xuyên; Lộ trình chuyển đổi các cơ chế về SDNLTK&HQ từ “tự nguyện” sang “bắt buộc” còn kéo dài. Bên cạnh đó, nhận thức của cộng đồng và doanh nghiệp về vấn đề này vẫn còn hạn chế, chưa sẵn sàng tiếp cận với thông tin về công nghệ và các giải pháp tiết kiệm năng lượng. Đồng thời, EVN kiến nghị, các quy định về SDNLTK&HQ cần được chuyển từ “tự nguyện” sang “bắt buộc”. Nhà nước cần sớm quy định về lộ trình chuyển đổi các cơ chế về SDNLTKHQ từ “tự nguyện” sang “bắt buộc”. Lộ trình chuyển đổi không nên quá dài mà cần được quy định một cách hợp lý, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp chuyển đổi. Nhà nước cần ban hành các quy định pháp luật để thúc đẩy các loại hình mới trong dịch vụ hiệu quả năng lượng, như: mô hình ESCO, các dịch vụ phụ trợ, các Aggregator… Bên cạnh đó là sớm ban hành các cơ chế, chính sách về thủ tục, tài chính thuế… thúc đẩy người dân, doanh nghiệp cung cấp cũng như sử dụng các dịch vụ hiệu quả năng lượng.

Bên cạnh đó, nhằm nâng cao hiệu quả lĩnh vực sử dụng NL TK&HQ tại Việt Nam, đại diện Công ty CP Giải pháp Công nghệ VETS đề xuất cần sớm ban hành khung pháp lý, cơ chế động viên/khuyến khích việc triển khai ESCO, xây dựng các mô hình đầu tư ESCO hiệu quả tại Việt Nam, có các chính sách hỗ trợ nhằm thúc đẩy thị trường đầu tư tiết kiệm và hiệu quả năng lượng, hỗ trợ thực hiện kế hoạch hành động tăng trưởng xanh Việt Nam. Bên cạnh đó, cần có các chính sách thu hút các nguồn vốn tín dụng xanh khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng năng lượng xanh, năng lượng tái tạo…

Phòng QLNL sưu tầm

https://moit.gov.vn/tin-tuc/su-dung-nang-luong-tiet-kiem-va-hieu-qua/9-noi-dung-de-xuat-de-sua-doi-luat-su-dung-nang-luong-tiet-kiem-va-hieu-qua.html