Quá trình hình thành và phát triển của Sở Công Thương tỉnh Hưng Yên

Cách mạng Tháng 8 năm 1945 thành công, ngày 28/8/1945, Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã ra tuyên cáo về Nội các thống nhất, trong đó có Bộ Kinh tế Quốc gia. Ngày 14/5/1951, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt nam) đã ký Sắc lệnh số 21/SL đổi tên Bộ Kinh tế Quốc gia thành Bộ Công Thương. Từ năm 1955 đến năm 2007, Bộ Công Thương trải qua nhiều giai đoạn lịch sử với những sự kiện tách, nhập thành các bộ, cơ quan khác nhau. Đến ngày 31/7/2007, Bộ Công Thương lại chính thức trở về với tên gọi của mình trên cơ sở hợp nhất Bộ Công nghiệp và Bộ Thương mại theo Nghị quyết số 01/2007/QH12 của Quốc hội khóa XII. Trên cơ sở đó, thực hiện Nghị định số 13/2008/NĐ-CP của Chính phủ, quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND cấp tỉnh, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã quyết định sáp nhập Sở Thương mại - Du lịch với Sở Công Nghiệp thành Sở Công Thương.

Qua nhiều giai đoạn với các tên gọi khác nhau nhưng ngành Công Thương luôn gắn bó với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của đất nước và dân tộc, phục vụ đắc lực cho sản xuất và đời sống nhân dân. Các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành Công Thương cùng với nhân dân cả nước đã hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Trong các cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, các thế hệ cán bộ, công nhân, người lao động ngành Công Thương vừa dũng cảm chiến đấu vừa hăng hái lao động, sản xuất. Với các phong trào thi đua “Vững tay búa, chắc tay súng”, “Vải không thiếu một phân, quân không thiếu một người”, “Giữ dòng điện như giữ mạch máu”, “Không sợ thiếu, chỉ sợ phân phối không công bằng” và với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả vì miền Nam ruột thịt”, “Tất cả vì thống nhất Tổ quốc”...đã hoàn thành xuất sắc hai nhiệm vụ chính là: xây dựng cơ sở vật chất cho CNXH ở miền Bắc và chi viện tích cực cho chiến trường miền Nam. Các nhà máy, xí nghiệp  công nghiệp còn non trẻ đã sản xuất ngày đêm, quên mình phục vụ yêu cầu của chiến trường. Hoạt động thương mại đảm đương tốt vai trò lưu thông, phân phối hàng hoá, xây dựng mạng lưới mậu dịch quốc doanh và HTX mua bán rộng khắp từ thành thị đến nông thôn, từ hậu phương ra tiền tuyến, đưa hàng đến phục vụ từng cơ quan, xí nghiệp, từng trận địa phòng không để đáp ứng yêu cầu của sản xuất, chiến đấu và đời sống nhân dân.

Đất nước độc lập, thống nhất, cả nước đi lên xây dựng CNXH, Ngành Công Thương đã khẩn trương kiện toàn hệ thống SXCN, thương nghiệp cả nước, duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh tạo tiền đề cho giai đoạn phát triển mới. Trong thời kỳ đổi mới, đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước, Ngành đã chủ động, sáng tạo tham mưu với Đảng, Nhà nước ban hành các các chủ trương, chính sách phù hợp với từng thời kì và đã đạt được những thành tựu quan trọng, khẳng định vị trí nòng cốt trong nền kinh tế quốc dân. Giá trị SXCN ngày càng tăng, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH-HĐH; một số lĩnh vực công nghiệp quan trọng như Cơ khí, Điện tử, Tin học, Dệt May, Dầu khí, Khai thác và chế biến khoáng sản... phát triển mạnh. Hoạt động thương mại được mở rộng và nâng cao chất lượng thông qua việc hội nhập ngày càng sâu, rộng hơn vào nền kinh tế thế giới; hoạt động xuất, nhập khẩu đã vươn tới trên 200 quốc gia và vùng lãnh thổ; công tác kiểm soát, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, cạnh tranh không bình đẳng và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được thực hiện từng bước có hiệu quả... góp phần quan trọng khẳng định và nâng cao vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế.

Có thể nói, lịch sử phát triển của Ngành Công Thương gắn liền với lịch sử đấu tranh giành độc lập thống nhất Tổ quốc và xây dựng chính quyền cách mạng ở nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng. Để ghi nhận quá trình xây dựng, trưởng thành và những cống hiến lớn lao của ngành Công Thương, ngày 02/10/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 1418/QĐ-TTg lấy ngày 14 tháng 5 hàng năm là “Ngày truyền thống của ngành Công Thương Việt Nam”.

Cùng với ngành Công Thương cả nước, ngành Công Thương Hưng Yên cũng ra đời và ngày càng phát triển mạnh mẽ, đóng vai trò nòng cốt trong phát triển kinh tế, quốc phòng, văn hóa xã hội của tỉnh qua các thời kì cách mạng.

Giai đoạn từ 1947-1968:  Đầu năm 1947, với mục đích đẩy mạnh công tác hậu cần phục vụ kháng chiến và đấu tranh kinh tế với địch, Ủy ban hành chính tỉnh Hưng Yên đã thành lập Bộ phận Công Thương thuộc Ủy ban, đây chính là tiền thân của ngành Công Thương tỉnh Hưng Yên. Từ 1947 đến 1954, mặc dù chính quyền cách mạng còn non trẻ, công nghiệp, thương mại của tỉnh còn sơ khai, nghèo nàn, song các hoạt động CN-TTCN, đã góp phần tích cực phục vụ kháng chiến và đời sống của nhân. Kháng chiến chống Pháp thắng lợi, hòa bình lập lại ở miền Bắc, công nghiệp, thương mại Hưng Yên cũng hòa mình cùng cả nước vừa đẩy mạnh sản xuất, lưu thông xây dựng nền tảng kinh tế - xã hội đưa miền Bắc đi lên CNXH và chi viện cho chiến trường miền Nam. Thực hiện kế hoạch 3 năm 1958 - 1960 phát triển kinh tế văn hóa, tháng 01/1959 Ty CN-TTCN tỉnh Hưng Yên được thành lập nhằm đẩy mạnh sản xuất, sửa chữa nông cụ, công cụ sản xuất, vật tư, phương tiện vận tải và nhu cầu về tư liệu tiêu dùng, sinh hoạt của nhân dân thúc đẩy phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa. Sau khi hoàn thành công cuộc cải tạo và khôi phục kinh tế, nước ta bước vào thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất 1961-1965 với phương châm "tiếp tục hoàn thiện quan hệ sản xuất, đồng thời đẩy mạnh cải tiến kỹ thuật nhằm tận dụng khả năng của thủ công nghiệp, phát triển các xí nghiệp quốc doanh địa phương", CN-TTCN Hưng Yên đã từng bước được mở rộng, một số xí nghiệp mới được thành lập như Xưởng sữa chữa ô tô Hưng Yên, Xưởng sản xuất rượu Yên Mỹ, Xưởng sản xuất gạch ngói Tân Cầu, Nhà máy nước Hưng Yên,...tiếp theo đó là các Xí nghiệp như: Giấy Tân Hưng, Đường rượu Nguyên Hòa, Tương nước chấm Kim Động,...Thời kì này Hưng Yên cũng đón nhận một số cơ sở công nghiệp quốc doanh Trung ương về sơ tán như: Nhà máy Xay Yên Mỹ, Sửa chữa ô tô X67, Nhà máy Bao bì, Nhà máy May, nhà máy Nhựa. Đến hết năm 1967, trên địa bàn tỉnh đã có 30 xí nghiệp công nghiệp quốc doanh, công tư hợp doanh, 18 HTX thủ công nghiệp, giá trị sản lượng đạt gần 45 triệu đồng (theo giá cố định năm 1959).

          Thương mại Hưng Yên thời kì này cũng từng bước phát triển từ xuất phát điểm rất thấp kém. Các HTX mua bán được hình thành và ngày càng mở rộng, hệ thống mậu dịch quốc doanh được thành lập và làm nòng cốt cho hoạt động phân phối. Trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn và bom đạn ác liệt, ngành Thương mại đã chủ động thực hiện phương án thu mua thực phẩm hàng tiêu dùng, thực hiện phân phối hàng hóa, vật tư phục vụ đời sống, sản xuất và chiến đấu. Ngành đã góp phần đảm bảo đời sống cho nhân dân, ổn định tình hình chính trị xã hội, củng cố chính quyền và thực hiện thắng lợi công cuộc cải tạo tư sản thương nghiệp, tiểu thương, hoàn thành nhiệm vụ khôi phục kinh tế chuyển sang giai đoạn củng cố hòa bình, xây dựng CNXH ở miền Bắc làm hậu phương lớn vững chắc cho miền Nam.

Giai đoạn 1968-1975: Năm 1968, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, tỉnh Hưng Yên và tỉnh Hải Dương hợp nhất thành tỉnh Hải Hưng. Ngành Công Thương của hai tỉnh cũng được sáp nhập, các cơ sở sản xuất, kinh doanh đều được sắp xếp lại cho phù hợp với cơ cấu hành chính mới. Trong giai đoạn đầu, Công Thương Hải Hưng vừa phải khắc phục khó khăn duy trì và phát triển sản xuất, vừa phải tổ chức lực lượng tham gia chiến đấu chống chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân của đế quốc Mỹ. Các phong trào thi đua "3 sẵn sàng", "vững tay búa, chắc tay súng", "Vải không thiếu một phân, quân không thiếu một người", "Tất cả cho tiền tuyến đánh thắng giặc Mỹ xâm lược",... diễn ra ở tất cả các cơ sở trong toàn ngành. Các cơ sở SXCN đã sản xuất ngày đêm, quên mình vì miền Nam ruột thịt, hệ thống thương mại tỉnh ta cũng làm tốt nhiệm vụ hậu cần thời chiến, vừa tổ chức tốt nguồn hàng và phân phối đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và sản xuất, vừa dồn sức chi viện cho miền Nam. Thời kỳ này cũng đã tổ chức được các hoạt động thu gom và chế biến hàng nông sản tiêu biểu như (đay, đậu, đỗ, lạc, thực phẩm rau quả,...) và hàng tiểu thủ công nghiệp (mây tre đan, thảm đay, thêu ren,...) phục vụ xuất khẩu. Hàng hóa của tỉnh đã có mặt ở một số nước trong khối XHCN. Không chỉ có sản xuất và phục vụ chiến đấu, nhiều thế hệ cán bộ, công nhân viên trong Ngành còn lên đường nhập ngũ trực tiếp cầm súng tham gia chiến đấu giải phóng miền Nam, nhiều đồng chí đã anh dũng hi sinh góp phần cùng toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta làm nên chiến thắng vĩ đại mùa Xuân năm 1975, thống nhất đất nước.

Giai đoạn 1976-1996: Sau ngày đất nước thống nhất, cả nước đi lên CNXH, ngành Công Thương Hải Hưng đã có những bước phát triển mới. Nhiều cơ sở, doanh nghiệp SXCN được đầu tư mới, các cơ sở cũ được sắp xếp lại và đầu tư mở rộng, các xí nghiệp quốc doanh địa phương, HTX thủ công nghiệp phát triển mạnh giá trị sản lượng các năm 1976-1985 tăng bình quân 5,6%/năm, riêng thời kì 1981-1985 tăng bình quân 12,5%/năm. Thực hiên công cuộc đổi mới, chuyển đổi từ cơ chế quản lý kế hoạch hóa tập trung sang cơ chế thị trường định hướng XHCN, các đơn vị SX-KD hoạt động theo cơ chế mới, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả. Thời kỳ này hầu hết các doanh nghiệp, cơ sở đều gặp khó khăn. Nhiều cơ sở phải giải thể, đóng cửa, một số hợp nhất, tổ chức lại; hầu hết các HTX hoạt động cầm chừng, sản xuất thua lỗ, người lao động mất việc làm. Tuy nhiên, với truyền thống khắc phục khó khăn, dám nghĩ, dám làm nên sau một thời gian tìm hướng đi để thích nghi với cơ chế mới, nhiều cơ sở đã thay đổi hình thức quản lý, phương thức kinh doanh, chú trọng thị trường, đổi mới và nâng cao chất lượng sản phẩm nên đã bước đầu đã có hiệu quả, SX được củng cố và phát triển trở lại. Các cơ sở thương mại cũng từng bước vượt qua sóng gió, sức ép của thị trường, đổi mới và nâng cao chất lượng phục vụ, lấy khách hàng, người tiêu dùng làm trung tâm. Các hoạt động hợp tác, liên doanh, liên kết trong và ngoài nước được chú trọng, sản phẩm công nghiệp Hải Hưng đã hướng mạnh tới xuất khẩu thu ngoại tệ để tiếp tục tái đầu tư phát triển chiều sâu. Nhờ vậy, mặc dù có giai đoạn chững lại, song ngành Công Thương Hải Hưng đã tiếp tục đứng vững và phát triển, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân trong tỉnh.

Giai đoạn 1997-2017: Tháng 1/1997, tỉnh Hưng Yên được tái lập, Sở Công nghiệp và Sở Thương mại - Du lịch Hưng Yên cũng được thành lập lại. Tháng 6/2008, thực hiện Nghị định số 13/NĐ-CP của Chính phủ, sở Công nghiệp và Sở Thương mại - Du lịch hợp nhất thành sở Công Thương Hưng Yên. Do đặc thù 29 năm hợp nhất, về cơ bản các hoạt động đầu tư phát triển được chú trọng hơn trên địa bàn của Hải Dương. Vì vậy ở thời điểm tái lập, tỉnh Hưng Yên nói chung và ngành công nghiệp, thương mại nói riêng phải đối mặt với muôn vàn khó khăn. Nhưng với quyết tâm chính trị cao, khắc phục khó khăn, thách thức và thiếu thốn, công nghiệp và thương mại Hưng Yên từ điểm xuất phát nhỏ bé đã nắm bắt thời cơ, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, có bước phát triển nhanh cả về chất và lượng, vươn lên khẳng định vai trò chủ lực, trở thành động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.