Lực lượng Quản lý thị trường kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống

Sáng ngày 1/7/2017, tại Hà Nội, Bộ Công Thương long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống của lực lượng Quản lý thị trường (03/7/1957-03/7/2017). Nhân dịp này, Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) đón nhận Cờ thi đua của Chính phủ.

Tới dự và phát biểu chỉ đạo tại Lễ kỷ niệm có đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia). Ngoài ra còn có sự tham gia của nhiều lãnh đạo các Bộ, ban, ngành, địa phương và các đồng chí lãnh đạo của Bộ Công Thương. Nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã gửi lãng hoa chúc mừng. Do điều kiện công tác không tham dự được, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cũng đã gửi lãng hoa chúc mừng lực lượng Quản lý thị trường nhân dịp 60 năm Ngày truyền thống.

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải chia sẻ, cách đây 60 năm, ngày 03/7/1957, Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng đã ký Nghị định số 290-TTg thành lập Ban Quản lý thị trường Trung ương và các Ban Quản lý thị trường các thành phố, tỉnh, khu tự trị. Đây là mốc son đánh dấu sự hình thành và phát triển của lực lượng Quản lý thị trường, ngày này hàng năm trở thành Ngày truyền thống của lực lượng Quản lý thị trường.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng nhấn mạnh, trong suốt 60 năm hình thành và phát triển, dưới sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, của Bộ Công Thương, các Bộ tiền nhiệm của Bộ Công Thương và cấp ủy, chính quyền địa phương, lực lượng Quản lý thị trường thường xuyên phối hợp với các ngành, các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát chống buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, chống sản xuất buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, vi phạm về an toàn thực phẩm, chống các hành vi phạm sở hữu trí tuệ, vi phạm về an toàn thực phẩm, chống các hành vi gian lận thương mại.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải phát biểu tại Lễ kỷ niệm

Từ năm 1995 đến năm 2016, lực lượng Quản lý thị trường đã xử lý gần 2 triệu vụ vi phạm, thu nộp ngân sách nhà nước gần 6000 tỷ đồng. Nhiều vụ vi phạm có quy mô lớn, liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều địa phương đã được Quản lý thị trường phối hợp cùng các lực lượng chức năng phát hiện và xử lý. Do có những đóng góp tích cực đó, lực lượng Quản lý thị trường đã được Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý, Huân chương lao động, Cờ thi đua, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Cờ thi đua và Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công Thương, Cờ thi đua và Bằng khen của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Tại buổi lễ, Cục Quản lý thị trường vinh dự được Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình trao tặng Cờ Thi đua của Chính phủ.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình trao tặng Cờ Thi đua của Chính phủ cho Cục Quản lý thị trường

Nhiều cá nhân đã có những đóng góp cho công tác Quản lý thị trường trong thời gian qua được tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Quản lý thị trường”.

Phát biểu tại buổi Lễ, đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia ghi nhận và biểu dương những thành tích của lực lượng đã đạt được trong 60 năm qua trong công tác kiểm tra, kiểm soát  thị trường, góp phần thực hiện chủ trương của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội và phát triển kinh tế đất nước. Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng chỉ ra các bất cập, tồn tại cần khắc phục và những nhiệm vụ cần thực hiện nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng Quản lý thị trường trong thời gian tới. Đặc biệt, là một số nội dung sau:

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình phát biểu tại Lễ kỷ niệm

Thứ nhất, về công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, Phó Thủ tướng yêu cầu cần kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các mặt hàng có thuế suất cao, các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống như nông sản, thực phẩm, vật tư nông nghiệp…

Thứ hai, về xây dựng cơ chế chính sách, cần tiếp tục rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm phát luật liên quan đến tổ chức và hoạt động của lực lượng Quản lý thị trường nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm.

Thứ ba, về công tác tuyên truyền, phải phối hợp với cơ quan thông tin, truyền thông, ban quản lý chợ, hiệp hội ngành hàng… tuyên truyền cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh về các chủ trương, chính sách, quy định của pháp luật, vận động các tổ chức, cá nhân cam kết không kinh doanh hàng giả, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng và thực hiện kiểm tra sau khi ký cam kết, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Thứ tư, về công tác xây dựng lực lượng, tiếp tục chú trọng công tác xây dựng lực lượng, thường xuyên bồi dưỡng trình độ chuyên môn nghiệp vụ, rèn luyện đạo đức công vụ, tăng cường công tác kiểm tra nội bộ, xử lý nghiêm công chức vi phạm, bảo kê, tiếp tay cho buôn lậu; thực hiện tốt công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đề cao vai trò và gắn trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị.

Thứ năm, trong công tác phối hợp, Phó Thủ tướng lưu ý, lực lượng Quản lý thị trường cần tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng như Hải quan, Biên phòng, Công an, Cảnh sát biển và các cơ quan Thanh tra chuyên ngành. Đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp phối hợp, kịp thời trao đổi, cung cấp thông tin để kiểm tra, xử lý các vụ việc phức tạp, có quy mô lớn hoặc xảy ra trên nhiều địa bàn. Phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng chức năng ở các cấp từ Trung ương đến địa phương để tạo được sức mạnh tổng hợp trong công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

 

Thay mặt cho lãnh đạo Bộ Công Thương cũng như lực lượng Quản lý thị trường toàn quốc, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã nghiêm túc tiếp thu ý kiến của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình. Đồng thời khẳng định, Bộ Công Thương, Cục Quản lý thị trường sẽ sớm khắc phục những vấn đề còn tồn tại, vướng mắc; xây dựng phương án, kế hoạch cụ thể để triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia giao. Bộ Công Thương sẽ xác định công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục để tiếp tục tham mưu  và tổ chức thực hiện có hiệu quả chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia; thực hiện hoạt động kiểm tra, kiểm soát có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống; chú trọng công tác xây dựng lực lượng, rèn luyện đạo đức công vụ, đề cao vai trò và gắn trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị; đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền và tăng cường công tác phối hợp với các lực lượng chức năng.

Quyên Lưu

http://www.moit.gov.vn/