Hưng Yên: Công bố quy hoạch phát triển điện lực và quy hoạch phát triển cụm công nghiệp tỉnh

Ngày 26.7, Sở Công Thương tổ chức công bố “Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2011-2015, có xét đến năm 2020” và “Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2011-2020 và định hướng đến năm 2025”.

Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2011-2015, có xét đến năm 2020 được Bộ Công Thương phê duyệt tại Quyết định 6621/QĐ-BCT ngày 19.12.2011. Theo quy hoạch, nhu cầu điện đáp ứng các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội tỉnh đến năm 2015 được dự báo là công suất cực đại (Pmax) phải đạt 534 MW, điện thương phẩm tăng lên 2.594 triệu kWh với tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011-2015 là 15,4%/năm. Đến năm 2020, dự báo Pmax phải đạt 933 MW, điện thương phẩm tăng lên 4.777 triệu kWh với tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016-2020 là 13%/năm. Do đó trong giai đoạn 2011-2015 ước tính cần có nguồn vốn hơn 3.521 tỷ đồng đầu tư xây mới cải tạo các công trình lưới điện có cấp điện áp từ 220 kV trở xuống gồm các công trình chủ yếu như: xây mới hơn 51 km đường dây 220 kV, hơn 61 km đường dây 110kV, hơn 134 km đường dây 35kV, 231 km đường dây 22 kV, 1.121 km đường dây hạ thế, 4 trạm biến áp 110 kV, 293 trạm biến áp phân phối 35/0,4 kV, 726 trạm biến áp phân phối 22/0,4 kV và lắp mới, cải tạo hơn 26 nghìn công tơ hạ thế; Mở rộng, nâng công suất 1 trạm biến áp 220 kV, 6 trạm biến áp 110 kV và 359 trạm biến áp phân phối 35(22)/0,4kV; Cải tạo nâng tiết diện hơn 66 km đường dây 220 kV, hơn 17 km đường dây 110 kV, hơn 52 km đường dây trung thế và cải tạo 1.245 km đường dây hạ thế…Lưới điện 220-110 kV được thiết kế bảo đảm độ tin cậy cấp điện và chất lượng điện năng trong chế độ làm việc bình thường và sự cố đơn lẻ theo các quy định hiện hành, đồng thời bảo đảm độ dự phòng cho phát triển ở giai đoạn tiếp theo. Lưới điện trung thế về lâu dài sử dụng cấp điện áp 22 kV,  35 kV và được thiết kế mạch vòng, vận hành hở đối với khu vực thành phố, khu đô thị mới, thị xã, thị trấn và lưới điện hình tia đối với khu vực nông thôn.

Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2011-2020 và định hướng đến năm 2025 được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 248/QĐ-UBND ngày 16.2.2012. Theo đó giai đoạn đến năm 2015, tỉnh thực hiện chuyển đổi tên 9 khu-cụm công nghiệp làng nghề hiện có thành tên gọi chung là cụm công nghiệp (CCN) gồm: Đình Cao, Liên Khê, Liêu Xá, Xuân Quan, Tân Tiến, Minh Khai, Tân Quang, Chỉ Đạo và CCN sạch Văn Giang. Đồng thời tỉnh mở rộng 5 CCN có điều kiện phát triển thuận lợi là: Tân Tiến, Liêu Xá, Minh Khai, Xuân Quan, CCN sạch Văn Giang với tổng diện tích tăng thêm hơn 74,4 ha và thành lập mới 17 CCN với tổng diện tích 590 ha. Trong số CCN thành lập mới có 8 CCN được thành lập nhằm di dời các cơ sở sản xuất, làng nghề có nhu cầu mở rộng mặt bằng sản xuất hoặc gây ô nhiễm và có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; 6 CCN tại đó đã tích tụ các doanh nghiệp đang hoạt động hoặc chuẩn bị đi vào hoạt động và 3 CCN được thành lập mới nhằm thu hút đầu tư TTCN. Trong giai đoạn này, tổng diện tích đất các CCN trên địa bàn tỉnh khoảng 1.060 ha và phấn đấu tỷ lệ lấp đầy bình quân của các CCN khoảng 60-65% diện tích đất công nghiệp cho thuê.

Giai đoạn 2016-2020, tỉnh mở rộng 3 CCN Đình Cao, Lương Bằng-Hiệp Cường và Yên Phú với diện tích tăng thêm 57,5 ha và thành lập mới thêm 9 CCN với tổng diện tích 283 ha. Như vậy, đến năm 2020, toàn tỉnh có 35 CCN và phấn đấu tỷ lệ lấp đầy bình quân các CCN trên địa bàn tỉnh lên 70-80% diện tích đất công nghiệp cho thuê. Giai đoạn 2021-2025, tỉnh định hướng đầu tư đồng bộ hạ tầng và lấp đầy các CCN đã được thành lập, phấn đấu đưa tổng diện tích đất các CCN trên địa bàn tỉnh lên khoảng 1.710 ha. Ngoài việc tiếp tục phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế, tỉnh ưu tiên thu hút đầu tư và CCN các dự án thuộc ngành công nghiệp sạch, sử dụng công nghệ cao, ít gây ô nhiễm môi trường, có giá trị gia tăng lớn, hiệu quả cao. Tổng vốn đầu tư xây dựng hạ tầng các CCN giai đoạn đến 2015 là 1.799 tỷ đồng và giai đoạn 2016-2020 là 1.450 tỷ đồng.

baohungyen.vn