Phát huy vai trò tham mưu, thực hiện có hiệu quả mục tiêu phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ

Nhân kỷ niệm 64 năm ngày truyền thống ngành Công Thương Việt Nam (14.5.1951 - 14.5.2015) Trong bối cảnh nền kinh tế còn có những khó khăn, thách thức; ngành Công Thương tỉnh có nhiều cố gắng triển khai hiệu quả sự chỉ đạo điều hành của Trung ương và của tỉnh trong lĩnh vực công thương. Qua đó, nhiều mục tiêu được duy trì đà tăng trưởng khá so với bình quân chung của cả nước, đóng góp quan trọng vào việc thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong giai đoạn 2011 - 2015.

Sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh thời gian qua tiếp tục đạt được mức tăng trưởng khá. Năm 2011 đạt trên 59,6 nghìn tỷ đồng, đến năm 2014 đạt 77 nghìn tỷ đồng và năm 2015 dự kiến đạt khoảng 83,3 nghìn tỷ đồng, tăng 1,39 lần so với năm 2010 và đưa tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành giai đoạn 2011 - 2015 đạt bình quân 9,70%/năm. Các nhóm ngành công nghiệp, sản phẩm công nghiệp chủ lực  đều có mức tăng trưởng khá như: Gạch nung các loại tăng bình quân 10,16%, quần áo các loại tăng 7,57%, thức ăn gia súc tăng 8,50%, sản xuất và lắp ráp ti vi tăng 21,73%, sản phẩm bằng plastic các loại tăng 18,11%, sản xuất giấy bìa các loại tăng 16,32%... Trong giai đoạn này đã xuất hiện thêm nhiều sản phẩm mới, mặc dù số lượng và giá trị chưa lớn nhưng có triển vọng mang lại giá trị sản xuất công nghiệp và giá trị gia tăng cao hơn trong giai đoạn tới như các sản phẩm: Đĩa nền thủy tinh cho sản xuất ổ cứng máy tính, sản phẩm động cơ các loại, vật liệu cực dương cho pin lithium-ion, máy giặt các loại, khung nhôm cho ti vi LCD... Trong năm 2014, Sở Công Thương đã tham mưu với tỉnh tổ chức bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh, qua đó đã  bình chọn 8 nhóm sản phẩm, sản phẩm được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh năm 2014. Trên cơ sở kết quả tổ chức bình chọn cấp tỉnh, Sở Công Thương đã lựa chọn một số sản phẩm tiêu biểu tham gia hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Bắc, và có 3 sản phẩm được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực năm 2014.

Trong lĩnh vực thương mại, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ duy trì được tốc độ tăng trưởng khá cao, bình quân giai đoạn 2011 - 2015 tăng 20,13%, năm 2015 dự kiến đạt khoảng 20,7 nghìn tỷ đồng, tăng 2,52 lần so với năm 2010. Kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2011 - 2015 tiếp tục có sự bứt phá, với tốc độ tăng trưởng bình quân 32,19%/năm, năm 2015 dự kiến đạt 2.400 triệu USD, tăng 4,2 lần so với năm 2010, vượt hơn 2 lần chỉ tiêu kế hoạch giai đoạn 2011 - 2015. Các nhóm hàng xuất khẩu có mức tăng trưởng cao như: Sản phẩm bằng plastic tăng 30,49%, hàng dệt may tăng 14,53%, giày dép các loại tăng 21,08%, hàng điện tử tăng 117,27%, hàng hóa khác tăng 85,96%. Hoạt động xuất khẩu tuy còn gặp khó khăn trong việc mở rộng thị trường, song cơ bản vẫn giữ được thị trường truyền thống như Nhật Bản, EU, Hoa Kỳ... Đặc biệt, đã có thêm nhiều sản phẩm xuất khẩu mới như các nhóm sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc lĩnh vực cơ khí, điện, điện tử...

Giai đoạn từ năm 2011 đến hết năm 2014, trên địa bàn tỉnh đã thu hút được 408 dự án, trong đó có 139 dự án có vốn đầu tư nước ngoài và 269 dự án trong nước; nâng tổng số dự án đầu tư còn hiệu lực trên địa bàn tỉnh lên 1.182 dự án, trong đó có 304 dự án có vốn đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đầu tư đăng ký là 2.830 triệu USD, 878 dự án đầu tư trong nước, với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 72 nghìn tỷ đồng, tạo việc làm và thu nhập cho hàng vạn lao động, tăng nguồn thu cho ngân sách tỉnh. Kết quả trên đã khẳng định chủ trương đúng đắn trong việc đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế của tỉnh. Đồng thời, cũng là nhân tố chính tạo nên sự thay đổi về cơ bản nền kinh tế của tỉnh, cơ cấu GDP của tỉnh theo hướng tích cực và sự tăng trưởng mạnh mẽ trong thu ngân sách, kim ngạch xuất, nhập khẩu, GDP bình quân đầu người…

Kết quả về phát triển kinh tế đã tạo điều kiện thuận lợi để tỉnh đầu tư phát triển đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng, phát triển văn hóa xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Khẳng định Hưng Yên đã cùng với cả nước đang hội nhập thành công và ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, từng bước tạo được niềm tin với các đối tác, nhà đầu tư và các thị trường như Mỹ, EU, Nhật Bản… Đồng thời là nền tảng để đẩy mạnh hợp tác quốc tế mạnh mẽ, đa dạng và hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Trong giai đoạn 2011 – 2015, Sở Công Thương đã cụ thể hóa các quy hoạch, chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực công thương của khu vực và cả nước trên địa bàn tỉnh thông qua các quy hoạch ngành, lĩnh vực của tỉnh, đồng thời tích cực tham gia đánh giá các quy hoạch đã hết thời hạn và tham gia sửa đổi, bổ sung và xây dựng chiến lược, quy hoạch trong giai đoạn mới. Đối với các quy hoạch ngành, lĩnh vực trên địa bàn tỉnh, Sở Công Thương thường xuyên thực hiện việc rà soát, đánh giá để bổ sung, điều chỉnh hoặc xây dựng mới khi hết thời hạn quy hoạch nhằm tạo hành lang, định hướng cho hoạt động đầu tư, phát triển ngành. Các quy hoạch ngành, lĩnh vực cơ bản đã phát huy tốt vai trò định hướng đầu tư phát triển và là công cụ hữu hiệu trong việc thực hiện chức năng quản lý ngành, lĩnh vực công thương trên địa bàn tỉnh.

Với mục tiêu đến năm 2020, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 122,1 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng bình quân 7,94%/năm; tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ đạt trên 44,5 nghìn tỷ đồng, tăng bình quân 16,53%/năm; kim ngạch xuất khẩu đạt 5 tỷ USD, tăng bình quân 15,81%/năm; đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động 10 - 15 cụm công nghiệp, mỗi huyện có 1 trung tâm thương mại hoặc siêu thị vừa và nhỏ; hoàn thành việc nâng cấp, cải tạo, xây dựng mới các chợ tại trung tâm các huyện… Để thực hiện được các mục tiêu trên, Sở Công Thương tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp như: Nâng cao chất lượng quy hoạch và hiệu lực quản lý nhà nước đối với quy hoạch. Rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới các quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, sản phẩm để thực hiện các nội dung, định hướng tái cơ cấu sản xuất và thương mại của tỉnh, phát huy tối đa lợi thế của tỉnh, gắn kết sản xuất với tiêu thụ sản phẩm. Xây dựng cơ chế huy động nguồn lực, ưu đãi, khuyến khích đầu tư, cơ chế quản lý đầu tư phù hợp trong điều kiện mới. Nghiên cứu xây dựng các sản phẩm, doanh nghiệp có giá trị sản xuất công nghiệp lớn, khả năng cạnh tranh, tiềm năng phát triển để có cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư, phát triển. Nâng cao chất lượng công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ. Phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các cơ quan của Trung ương nhằm tìm kiếm thị trường, xúc tiến thương mại quốc gia và quốc tế để trợ giúp doanh nghiệp nắm bắt, nghiên cứu thị trường mới, thị trường tiềm năng, mở rộng thị trường xuất khẩu.

Văn phòng

Tin liên quan

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử






Gửi đánh giá Xem kết quả
95 người đang online