10/10/2022 | lượt xem: 1 Người dân ít bị tác động về biểu giá bán lẻ điện dự kiến Bộ Công Thương vừa gửi công văn đến các bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan để lấy ý kiến về biểu giá bán lẻ điện. Đối với giá điện sinh hoạt, Bộ Công Thương đề xuất thay đổi theo hướng rút gọn từ 6 bậc còn 5 hoặc 4 bậc Bậc 1 từ 100kWh, còn bậc cao nhất là từ 701kWh trở lên. Mức giá của bậc 1 là 1.678 đồng/kWh, còn bậc cao nhất là từ 3.076-3.356 đồng/kWh. Như vậy, giá điện bán lẻ thấp nhất là 1.678 đồng/kWh, cao nhất 3.356 đồng/kWh (chưa gồm thuế VAT), thay vì mức 1.549 đồng và 2.701 đồng/kWh đang áp dụng hiện nay. Theo Bộ Công Thương, sự điều chỉnh này sẽ làm thay đổi căn bản cơ cấu biểu giá bán lẻ điện so với trước nên sẽ tác động trực tiếp tới các khách hàng. Trong đó, mức giá bán lẻ điện bình quân với nhóm sinh hoạt không thay đổi, nhưng sẽ có nhóm khách hàng được giảm tiền điện và ngược lại. Ví dụ, một hộ sử dụng dưới 270 kWh/tháng, với quy định hiện hành, sẽ tính theo bậc 4 nhưng ở phương án đề xuất sẽ theo bậc 3 (với mức giá cao hơn). Do đó, tiền điện tăng thêm bình quân khoảng 2,32% và mức tăng tối đa gần 4,5% so với hiện nay. Ngược lại, hộ sử dụng từ 280 kWh đến 1.100 kWh lại giảm tiền điện trung bình khoảng 2,47% và mức giảm nhiều nhất là 4,82%, trong khi các hộ có mức sử dụng từ 1.100 kWh trở lên sẽ chịu tiền điện tăng bình quân 3,87%. Theo ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh, qua các phương án đề xuất của đơn vị tư vấn cũng như phương án 4 bậc và 5 bậc mà Bộ Công Thương đưa ra, có thể thấy, phương án 4 bậc Bộ đề xuất đem lại nhiều lợi ích cho các hộ gia đình sử dụng điện ở mức độ tiêu dùng trung bình (chiếm đa số trong các nhóm khách hàng sinh hoạt). Còn với phương án 5 bậc, những hộ gia đình sử dụng ít điện sẽ được hưởng lợi nhiều hơn khi so sánh với biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt hiện nay. Những người sử dụng nhiều điện, từ 700 số trở lên, sẽ phải trả nhiều tiền hơn. Đánh giá của Bộ Công Thương đối với đề án này cũng có điểm tương đồng. Theo đó, phương án 5 bậc có thuận lợi là đơn giản, người dân dễ hiểu do giảm từ 6 bậc như cơ cấu biểu giá điện hiện nay xuống còn 5 bậc giá điện. Ghép các bậc lại với nhau để tăng khoảng cách mức tiêu thụ điện giữa các bậc và nới rộng khoảng cách mức tiêu thụ điện của bậc cao hơn nhằm phản ánh tình hình thực tế tiêu thụ điện và khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm. Số tiền ngân sách hỗ trợ cho hộ nghèo và hộ chính sách không thay đổi so với khi áp dụng cơ cấu biểu giá điện hiện hành. Phương án này sẽ khiến cho tiền điện của các hộ sinh hoạt có mức sử dụng điện cao từ 701kWh/tháng trở lên (chiếm khoảng 2% số hộ) phải trả tăng thêm. Còn với phương án 4 bậc, việc phân chia giảm bớt 1 bậc so với phương án 5 bậc sẽ giảm bớt một phần tác động tăng tiền điện trong các tháng chuyển mùa với phần lớn hộ sử dụng điện nằm trong dải sử dụng từ 101-300kWh. Nhưng phương án này sẽ làm tăng tiền điện phải trả đối với các hộ có mức sử dụng từ 119-232kWh/tháng. Tuy nhiên, mức tăng không lớn, chỉ tối đa là 12.100 đồng/tháng/hộ, tương ứng với mức tăng tiền điện là 3,25%. Phương án này có tác dụng thấp hơn so với phương án 5 bậc trong việc khuyến khích khách hàng sử dụng điện tiết kiệm. Theo ông Hà Đăng Sơn, thực tế, đa số người dân sử dụng điện sinh hoạt trong khoảng 200-400 số điện/tháng. Những hộ sử dụng điện từ 400-700 số, hay từ 701 số trở lên, thường thuộc diện thu nhập ở mức trung lưu, có khả năng chi trả. Do đó, thiết kế bậc cao nhất dành cho các hộ sử dụng từ 701 số điện trở lên là phù hợp. Nhìn chung, hai phương án Bộ Công Thương đưa ra lấy ý kiến, đa số người dân ít bị tác động, thậm chí còn có lợi so với biểu giá hiện hành. Nguồn: baohungyen.vn Phòng QLNL sưu tầm
Phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, gói thầu số 01: "Hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hội chợ, triển lãm trên môi trường số"
Phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, gói thầu số 01: "Giải pháp xây dựng nội dung và tiếp thị trực tuyến cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh"
Phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu Gói thầu số 01:"Thực hiện Đề án Tiếp tục phát triển thương hiệu các sản phẩm chủ lực tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030 "