Ngành Công Thương Hưng Yên qua nửa đầu nhiệm kì Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII

Năm 2013, năm bản lề trong thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã qua tháng thứ 9, có thể nói thời gian thực hiện Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ tỉnh đã đi được quá nửa. Nhìn lại kết quả thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu của Ngành trong gần 03 năm qua từ đó có những giải pháp trong nửa chặng đường còn lại là việc làm cần thiết và cấp bách nhất là trong hoàn cảnh còn nhiều khó khăn hiện nay.

Bối cảnh ngành Công Thương khi thực hiện Nghị quyết

Bước vào thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII nhiệm kì 2011 - 2015, ngành Công Thương Hưng Yên đứng trước nhiều khó khăn, thử thách khắc nghiệt. Kinh tế thế giới bước vào giai đoạn khủng hoảng khá nghiêm trọng và kéo dài, thời gian phục hồi của các nền kinh tế lớn chậm; kinh tế trong nước bắt đầu chịu tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới và ngày càng bộc lộ rõ những khó khăn khắc nghiệt, đặc biệt là từ nửa cuối năm 2011 đến nay: sản xuất đình đốn, tiêu thụ sản phẩm khó khăn, tồn kho lớn; thị trường bất động sản đóng băng, đầu tư bị thắt chặt, tiêu dùng sụt giảm; nguồn vốn cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp vốn đã thiếu lại càng khan hiếm do lãi suất ở mức cao, khả năng tiếp cận hạn chế; giá cả nguyên nhiên vật liệu biến động theo chiều hướng tăng và khó dự đoán,... Trong khi đó hầu hết các doanh nghiệp trong ngành có quy mô vừa và nhỏ, công nghệ ở mức trung bình thấp, nhiều lĩnh vực sản xuất gia công là chính hoặc mới chỉ ở giai đoạn lắp ráp khá đơn giản;(trừ một số doanh nghiệp có VĐT nước ngoài và số ít doanh nghiệp trong nước có công nghệ ở mức khá, hiện đại) nên sức cạnh tranh còn hạn chế, thị trường tiêu thụ bị thu hẹp, buộc phải cắt giảm sản xuất, kinh doanh, nhiều doanh nghiệp đã phải tạm dừng sản xuất, đóng cửa thậm chí phá sản.

          Tuy nhiên, với quyết tâm cao của đội ngũ doanh nhân, cán bộ công chức, người lao động toàn Ngành, cộng với kết quả đầu tư phát triển ngành trong giai đoạn trước và một số dự án đầu tư mới đi vào hoạt động đã phần nào duy trì được sự tăng trưởng của Ngành tuy còn ở mức độ khiếm tốn so với giai đoạn 2006- 2010 và mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra. Đây là những kết quả rất đáng khích lệ, đóng góp quan trọng vào thực hiện các mục tiêu kinh tế xã hội của tỉnh trong giai đoạn 2011 – 2015.

Kết quả thực hiện các mục tiêu chủ yếu.

1. Giá trị sản xuất công nghiệp (Giá cố định -1994): Giá trị sản xuất công nghiệp 9 tháng đầu năm 2013 ước đạt 20.150 tỷ đồng, đạt 71,96% kế hoạch năm, tăng 8,45% so với cùng kỳ,dự kiến cả năm 2013 đạt 26.910 tỷ đồng bằng 96,1% kế hoạch (năm 2012 đạt 24.997 tỷ đồng; năm 2011 đạt 22.930,6 tỷ đồng).

Như vậy, giá trị SXCN năm 2012 tăng 1,26 lần vànăm 2013 tăng 1,35 lầnso với năm 2010, nhưng tốc độ tăng trưởng bình quân 2011 - 2013 ước đạt 8,11%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 19% Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra.

2. Kim ngạch xuất khẩu: 9 tháng năm 2013 kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1.231 triệu USD đạt 98,51% kế hoạch năm và tăng 58,25% so với cùng kì, dự kiến cả năm 2013 ước đạt 1.250 triệu USD (năm 2012 đạt 1.095,228 triệu USD; năm 2011 đạt 761,925 triệu USD và năm 2010là 594,568 triệu USD).

So với mục tiêu Nghị quyết Đại hội đề ra (1.000 triệu USD vào năm 2015), kim ngạch xuất khẩu đã đạt mục tiêutrước 03 năm, tốc độ tăng trưởng bình quân 2011 - 2013 là 43%/năm, vượt xa mục tiêu 17%/năm.

3. Tốc độ tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ: Tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ 9 tháng đầu năm 2013 ước đạt 12.244 tỷ đồng, tăng 11,62% so với cùng kì năm trước và đạt 72,88% kế hoạch cả năm, dự kiến cả năm 2013 ước đạt 16.800 tỷ đồng; năm 2012 đạt 14.387,358 tỷ đồng; năm 2011 đạt 12.318,775 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng bình quân 2011 - 2013 là 15,04%/năm. So với mục tiêu Đề án xây dựng, phát triển hạ tầng thương mại nông thôn tỉnh Hưng Yên, giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến năm 2020 của UBND tỉnh nhằm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII là tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ giai đoạn 2011 -2015 bình quân 20%/nămthì chỉ tiêu này còn khiêm tốn.

Như vậy, chỉ một trong 03 chỉ tiêu lớn của Ngành vượt mục tiêu đề ratheo Nghị quyết, điều đó cũng thể hiện rõ những hạn chế của ngành trước những khó khăn khắc nghiệt trong 3 năm qua sau một giai đoạn tăng trưởng ở mức cao trên 20%/năm đối với tất cả các chỉ tiêu cơ bản.

Một số nguyên nhân cơ bản

          Nguyên nhân khách quan:      

          - Quy mô nền kinh tế của tỉnh còn nhỏ, đất chật, người đông áp lực giải quyết các vấn đề xã hội lớn, đồng thời kết cấu hạ tầng cơ sở của tỉnh còn hạn chế nên phải chia sẻ nguồn lực cho nhiều lĩnh vực khác nhau, đầu tư cho phát triển công nghiệp, thương mại chưa đáp ứng được nhu cầu.

          - Khủng hoảng kinh tế toàn cầu và những khó khăn của nền kinh tế trong nước dẫn tới sản xuất công nghiệp đình đốn, các biện pháp tháo gỡ khó khăn của Chính phủ chưa phát huy hết tác dụng trong thực tiễn, số doanh nghiệp mới, dự án đầu tư mới đi vào hoạt động nhưng chưa có các doanh nghiệp quy mô lớn nên năng lực mới bổ sung của Ngành chưa nhiều.

          - Một số chính sách của Nhà nước chưa thật sự tạo thuận lợi cho phát triển Ngành như: điều hành lãi suất tín dụng, quy định về sử dụng đất lúa, quy định về tạm dừng việc bổ sung quy hoạch, thành lập, mở rộng cụm công nghiệp, chính sách xuất nhập khẩu, điều hành giá điện, thép, xăng dầu,... ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của doanh nghiệp.

          Nguyên nhân chủ quan:

          - Quy mô doanh nghiệp, trình độ quản lý, công nghệ cơ bản ở mức trung bình, nguồn vốn sản xuất, kinh doanh hạn hẹp nên khả năng chuyển đổi ngành nghề, nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, nghiên cứu tìm kiếm thị trường mới, đầu tư đổi mới công nghệ,.. chưa cao.

          - Sự năng động, ham muốn vươn lên mở rộng sản xuất, kinh doanh ở không ít doanh nghiệp, nhất là ở các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp, kinh doanh thương mại ở vùng nông thôn chưa thật sự mạnh mẽ.

          - Chưa nghiên cứu, xây dựng được các cơ chế, chính sách và bố trí được nguồn lực để đầu tư, hỗ trợ đầu tư phát triển các sản phẩm, doanh nghiệp có lợi thế, có tiềm năng của tỉnh để phát triển thành các sản phẩm, doanh nghiệp chủ lực có tác động thúc đẩy các ngành, lĩnh vực sản xuất khác, thúc đẩy mạnh mẽ phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

          - Sự phối hợp trong hoạt động quản lý nhà nước của các Sở, ngành và địa phương còn hạn chế do vậy việc nắm bắt, giải quyết các vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh có lúc chưa kịp thời; hoạt động của các đơn vị có chức năng tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả chưa cao, nhất là hoạt động xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư.

Nhiệm vụ, giải pháp trong 2 năm còn lại

Theo dự báo của các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước tình hình kinh tế thế giới vẫn phục hồi chậm sau khủng hoảng và còn tiềm ẩn những những diễn biến khó lường. Trong khi đó, kinh tế trong nước mặc dù đãcó những tín hiệu khởi sắc hơn nhưng chưa thật sự rõ ràng và vững chắc. Do vậy, công nghiệp và thương mại cả nước nói chung và tỉnh Hưng Yên nói riêng vẫn phải đối mặt với những khó khăn rất cơ bản đó là hàng tồn kho, thị trường và nguồn vốn cho đầu tư, sản xuất,kinh doanh. Việc hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và các Nghị quyết, Đề án liên quan đến ngành Công Thương đề ra trong giai đoạn 2011 – 2015 trở lên rất khó khăn, đòi hỏi phải có được sự bứt phá mạnh mẽ của Ngành nhưng điều này khó có thể xảy ra trong tình hình hiện nay. Để đạt được tốc độ tăng trưởng cao hơn trong hai năm còn lại của nhiệm kì 2011 – 2015, Ngành Công Thương Hưng Yên sẽ tổ chức thực hiện có hiệu quả những nhiệm vụ,giải pháp cơ bản sau:

Thứ nhất, đồng cảm, chia sẻ, sát cánh với cộng đồng doanh nghiệp trong Ngành, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Đổi mới và mở rộng hoạt động khuyến công, xúc tiến thương mại, tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn, kích thích và thúc đẩy ham muốn vươn lên, mở rộng và phát triển mạnh mẽ của doanh nghiệp.

Thứ hai, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch ngành đã không còn phù hợp với tình hình mới; xây dựng mới các quy hoạch lĩnh vực, quy hoạch sản phẩm chủ yếu, quan trọng của Ngành đảm bảo tính định hướng nhưng có tính khả thi làm căn cứ vững chắc cho đầu tư, phát triển ngành trong giai đoạn tới.

Thứ ba, nghiên cứu các sản phẩm, doanh nghiệp có giá trị sản xuất công nghiệp tương đối lớn, có khả năng cạnh tranh, có tiềm năng phát triển để xây dựng cơ chế, chính sách đầu tư, hỗ trợ đầu tư, hỗ trợ phát triển tạo thành các sản phẩm chủ lực, doanh nghiệp chủ lực của ngành Công Thương tỉnh nhà.

Thứ tư, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các Vụ, cơ quan của Bộ Công Thương nhằm tìm kiếm thông tin thị trường, các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia và quốc tế để trợ giúp doanh nghiệp trong tỉnh tăng cường nắm bắt, nghiên cứu thị trường mới, thị trường tiềm năng, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm khôi phục lại sản xuất và tiếp tục phát triển.

Thứ năm, phối hợp với các Sở, ngành của tỉnh đổi mới, nâng cao chất lượng xúc tiến đầu tư, hỗ trợ tư vấn đầu tư và thành lập doanh nghiệp, tiếp tục cải cách hành chính mạnh mẽ và thiết thực nhằm cải thiện môi trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt chú trọng tìm kiếm, vận động, thu hút các nhà đầu tư đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng các KCN, cụm công nghiệp, hạ tầng thương mại của tỉnh đã được quy hoạch; đề nghị Tỉnh bố trí nguồn kinh phí thỏa đáng để thực hiện các chính sách hỗ trợ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp, hạ tầng thương mại. Chú trọng đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án đang triển khai, các dự án đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh nhằm tăng năng lực cho toàn ngành.

Thứ sáu, tích cực nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, tham mưu và kiến nghị với UBND tỉnh, Bộ Công Thương báo cáo Chính phủ, Quốc hội sửa đổi, bổ sung các cơ chế chính sách liên quan đến lĩnh vực hoạt động của Ngành như về: Luật Doanh nghiệp, Luật Thống kê, chính sách đối với cụm công nghiệp, hạ tầng thương mại, cơ chế điều hành giá điện, thép, xăng dầu, lãi suất tín dụng, cơ chế vay vốn,...

Thứ bảy, tiếp tục bồi dưỡng, giáo dục chính trị tư tưởng, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong toàn Ngành; đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả thiết thực của việc phát động, tổ chức các phong trào thi đua yêu nước trong Ngành, chú trọng đánh giá, tổng kết, rút kinh nghiệm thực tiễn, biểu dương khen thưởng kịp thời tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc, nhân rộng các điển hình tiên tiến tạo động lực cho sự phát triển.

Khó khăn, thử thách còn nhiều nhưng với truyền thống và thành tích đã đạt được trong những năm qua, sự quyết tâm và nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, đội ngũ cán bộ công chức, viên chức người lao động toàn Ngành, Ngành Công Thương Hưng Yên phấn đấu cao nhất cho việc thực hiện các mục tiêu của Ngành nói riêng và các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh nói chung trong giai đoạn 2011 – 2015 mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra.

TP KH-TC

Tin liên quan

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử






Gửi đánh giá Xem kết quả
72 người đang online