Ngành Công Thương Hưng Yên phát huy vai trò chủ lực, góp phần thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ tỉnh

Những năm qua, trước tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới, sự suy giảm của kinh tế trong nước và những diễn biến phức tạp, khó lường của thị trường, ngành Công Thương cùng cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức. Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, Bộ Công Thương; Sở Công Thương đã phối hợp cùng các cấp chính quyền, các ngành hữu quan trong tỉnh thực hiện có hiệu quả các Chương trình, đề án phát triển công nghiệp và thương mại, kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phục hồi - phát triển.

Với tinh thần đoàn kết, sáng tạo và quyết tâm chính trị cao, toàn ngành đã triển khai thực hiện nhiều nhóm giải pháp đồng bộ, kịp thời. Trong đó cơ quan sở đã tập trung nắm bắt tình hình sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, tổng hợp những khó khăn vướng mắc đề xuất với lãnh đạo tỉnh các giải pháp chỉ đạo tháo gỡ; đẩy mạnh công tác thông tin, dự báo thị trường, đẩy mạnh hoạt động khuyến công và xúc tiến thương mại, định hướng quy hoạch để doanh nghiệp cơ cấu lại chiến lược sản xuất - kinh doanh, xây dựng thị trường bền vững, khai thác tối đa năng lực sản xuất. Sở đã phối hợp với các ngành có giải pháp thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp trong các lĩnh vực về vốn, tài chính như miễn, giảm, gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất; thực hiện có hiệu quả cuộc vận động người Việt nam ưu tiên dùng hàng Việt nam; tăng cường đối thoại, cải cách hành chính tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân trong đầu tư, phát triển sản xuất - kinh doanh. Cộng đồng doanh nghiệp đã thực hiện nhiều giải pháp tiết kiệm vật tư, năng lượng, tiết giảm chi phí; khôi phục mở mang thị trường đẩy mạnh tiêu thụ, nâng cao hiệu quả quản lý sản xuất kinh doanh, hạn chế ảnh hưởng của khủng hoảng. Những nỗ lực của Sở Công Thương và cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã mang lại kết quả đáng phấn khởi trong bối cảnh chung còn nhiều khó khăn, góp thêm mảng màu sáng chủ đạo cho bức tranh toàn cảnh về kinh tế của tỉnh.

Trong công nghiệp, mảng sáng nổi bật đó là KCN Thăng Long II được đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ đã đi vào hoạt động trở thành KCN kiểu mẫu thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư Nhật Bản. Với thế mạnh về tài chính, công nghệ, trình độ quản lý và thị trường, các dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trên địa bàn tỉnh, nhất là ở KCN Thăng Long II đã bổ sung những năng lực mới mang lại diện mạo mới về chất cho công nghiệp Hưng Yên, từng bước tham gia chuỗi giá trị, chuỗi sản phẩm khu vực và thế giới. Trong cơ cấu công nghiệp, lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ phát triển rõ nét với phần lớn các doanh nghiệp FDI có trình độ công nghệ cao, trong đó có nhiều sản phẩm mới như: linh kiện ô tô, xe máy, điện tử, điện lạnh, sản phẩm công nghệ cao, linh kiện máy bay, sợi và nhuộm… đáp ứng nhu cầu linh kiện phụ tùng cho các hãng sản xuất lớn. Các doanh nghiệp trong nước cũng đã có bước phục hồi phát triển, tiêu biểu như các doanh nghiệp sản xuất rượu bia - nước giải khát, chế biến thực phẩm; các doanh nghiệp dệt may - giày dép, điện tử điện lạnh, sản xuất thép và cơ khí, vật liệu xây dựng, sản phẩm tiêu dùng, SX lắp ráp ô tô xe máy và máy nông nghiệp, nhựa hóa chất, chế biến thức ăn chăn nuôi... Kết thúc năm 2013, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt hơn 69.700 tỷ đồng, tăng 7,31% so với năm 2012. Tốc độ tăng trưởng công nghiệp bình quân 3 năm (2011- 2013) trên 8,11%. Kết quả trên tuy chưa đạt mục tiêu đề ra nhưng cao hơn so với mức tăng chung của cả nước (khoảng 5% - 6%). Cộng đồng doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, chủ động mọi mặt để hội nhập hiệu quả.

Trong thương mại, khối doanh nghiệp FDI đã góp phần quan trọng đưa kim ngạch xuất khẩu của tỉnh tăng vượt bậc. Năm 2013, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,7 tỷ USD, đưa chỉ tiêu này về đích sớm 2 năm so với mục tiêu nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra. Tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu bình quân 3 năm (2011 - 2013) hơn 44,6%/năm, vượt xa mục tiêu đề ra là 17%/năm.

Lĩnh vực thương mại, dịch vụ cũng từng bước phục hồi phát triển. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ giai đoạn từ năm 2011 đến 2013 tăng trưởng bình quân 15%/năm. Thị trường hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn tỉnh khá phong phú và đa dạng, giá cả ổn định đáp ứng tốt nhu cầu của sản xuất và tiêu dùng của nhân dân, những năm qua không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá, đầu cơ lũng đoạn thị trường, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu. Cuộc vận động “Người Việt nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được các tầng lớp nhân dân, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh tích cực hưởng ứng và có kết quả thiết thực.

Trong công tác quản lý nhà nước, Sở Công Thương đã hoàn thành nhiều quy hoạch đến năm 2020 như: Quy hoạch phát triển CN - TTCN; Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp; Quy hoạch phát triển hạ tầng thương mại nông thôn; Quy hoạch mạng lưới kinh doanh xăng dầu; Quy hoạch mạng lưới bán buôn bán lẻ; Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh giai đoạn 2011-2015, có xét đến năm 2020... Các quy hoạch này được triển khai thực hiện đã góp phần thúc đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa - đô thị hóa và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt việc đầu tư hệ thống điện những năm qua đã bám sát Quy hoạch phát triển điện lực của tỉnh nên hệ thống điện đã phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu phát triển của sản xuất và sinh hoạt của doanh nghiệp và nhân dân. Thực hiện nhiệm vụ được giao, sở Công Thương đã tham mưu cho tỉnh ban hành nhiều cơ chế chính sách khuyến khích phát triển sản xuất công nghiệp - TTCN, phát triển ngành nghề, làng nghề, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế nông thôn. Công tác kiểm tra kiểm soát thị trường, thanh tra thương mại được quan tâm chỉ đạo và tổ chức thực hiện ngày một hiệu quả. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của Sở và các đơn vị trực thuộc ngày càng được nâng cao về trình độ chuyên môn nghiệp vụ và tinh thần trách nhiệm, ý thức phục vụ, đoàn kết, thống nhất, có đủ năng lực và kinh nghiệm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Với những kết quả nêu trên, ngành Công Thương Hưng Yên phát huy được vai trò chủ lực trong nền kinh tế tỉnh nhà: giá trị công nghiệp - xây dựng năm 2013 chiếm tỷ trọng 48,21%, giá trị thương mại dịch vụ chiếm 29% trong tổng GDP toàn tỉnh; tạo nguồn thu chủ yếu cho ngân sách, năm 2013 tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt hơn 6.000 tỷ đồng, dự kiến 2014 đạt mức thu trên 6.500 tỷ đồng; đảm bảo việc làm và đời sống của hơn một trăm nghìn lao động, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội XVII của tỉnh đề ra, giai đoạn 2014 - 2015 ngành Công Thương phấn đấu giá trị công nghiệp đạt mức tăng trưởng 8-9% mỗi năm. Đến năm 2015, giá trị sản xuất công nghiệp đạt hơn 82.800 tỷ đồng; Kim ngạch xuất khẩu đạt 2,4 tỷ USD, tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ đạt hơn 21.500 tỷ đồng. Ngành Công Thương tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ 8 nhóm giải pháp. Trong đó tập trung hướng về cơ sở, tìm cách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp như: đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động khuyến công, xúc tiến thương mại; kịp thời cung cấp thông tin tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp ổn định sản xuất vượt qua khó khăn, trợ giúp doanh nghiệp nắm bắt, nghiên cứu mở mang thị trường, khôi phục và phát triển sản xuất. Nghiên cứu, xây dựng, tham mưu với tỉnh để ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư, khuyến khích các doanh nghiệp. Điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch ngành không còn phù hợp với tình hình mới, xây dựng các quy hoạch mới phù hợp thực tiễn và có tính khả thi cao làm căn cứ vững chắc cho đầu tư, phát triển ngành trong giai đoạn tới.

VP

Tin liên quan

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử






Gửi đánh giá Xem kết quả
92 người đang online