01/08/2024 | lượt xem: 32 Một số điểm mới của Nghị định số 59/2024/NĐ-CP ngày 25/5/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn đặt ra đối với công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế pháp luật, đồng thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của bộ, ngành, địa phương trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 59/2024/NĐ-CP ngày 25/5/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 154/2020/BĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/6/2024, với một số điểm mới sau đây: (1) Nội dung về xây dựng chính sách và đánh giá tác động của chính sách: Sửa đổi quy định giải thích các từ ngữ “chính sách”, “đánh giá tác động của chính sách” tại Điều 2. Theo đó, Chính sách được định nghĩa là “định hướng, giải pháp của Nhà nước để thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, giải quyết các vấn đề của thực tiễn nhằm đạt được mục tiêu nhất định”; “đánh giá tác động của Chính sách là việc phân tích, dự báo tác động của chính sách nhằm lựa chọn giải pháp tối ưu thực hiện chính sách”. Sửa đổi, bổ sung Điều 6 “đánh giá tác động của chính sách” để quy định cụ thể, rõ ràng, hợp lý hơn về yêu cầu đánh giá tác động của chính sách đối với hệ thống pháp luật, tác động của thủ tục hành chính. Theo đó việc đánh giá tác động của chính sách theo các nội dung sau: - Tác động đối với hệ thống pháp luật được đánh giá trên cơ sở phân tích về tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất của chính sách với hệ thống pháp luật; tính tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. - Tác động về kinh tế - xã hội được đánh giá trên cơ sở phân tích chi phí, lợi ích, tác động tích cực, tiêu cực về một hoặc một số nội dung liên quan đến sản xuất, kinh doanh; việc làm, dân tộc, tôn giáo, văn hóa, y tế, giáo dục, môi trường; quốc phòng, an ninh; các vấn đề khác có liên quan đến kinh tế - xã hội. -Tác động về giới (nếu có) được đánh giá trên cơ sở phân tích về cơ hội, điều kiện, năng lực thực hiện và thụ hưởng các quyền, lợi ích của mỗi giới. - Tác động của thủ tục hành chính (nếu có) được đánh giá trên cơ sở phân tích về sự cần thiết, tính hợp lý và chi phí tuân thủ của thủ tục hành chính để thực hiện chính sách.”. Sửa đổi, bổ sung Điều 7 về xây dựng Báo cáo đánh giá tác động của chính sách, theo đó tác động của chính sách được đánh giá theo phương pháp định lượng, phương pháp định tính. Ưu tiên sử dụng phương pháp định lượng. Trường hợp không thể áp dụng phương pháp định lượng thì trong báo cáo đánh giá tác động của chính sách phải nêu rõ lý do. Quy định này nhằm đơn giản hóa phương pháp đánh giá tác động của chính sách. (2) Về lấy ý kiến đề nghị dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; lấy ý kiến dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật Sửa đổi, bổ sung quy định lấy ý kiến đề nghị xây dựng và dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (Điều 10 và khoản 3 Điều 25) theo hướng quy định hợp lý hơn các đối tượng gửi lấy ý kiến đối với đề nghị xây dựng nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và trao quyền chủ động cho cơ quan lập đề nghị trong việc xác định cơ quan, tổ chức cần lấy ý kiến đảm bảo huy động trí tuệ của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Cụ thể tại khoản 5 Điều 1 Nghị định 59/2024/NĐ-CP sửa đổi Điều 10 Nghị định 34/2016/NĐ-CP nêu rõ trách nhiệm lấy ý kiến đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật như sau: - Cơ quan lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan trung ương lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của chính sách trong đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cơ quan, tổ chức có liên quan; lấy ý kiến Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp. - Cơ quan lập đề nghị xây dựng nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của chính sách trong đề nghị xây dựng nghị quyết, các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh và các cơ quan, tổ chức có liên quan. Khoản 3 Điều 25 của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP được sửa đổi như sau: - Cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan trung ương lấy ý kiến Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan, tổ chức có liên quan; lấy ý kiến Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với dự án, dự thảo liên quan đến quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp. - Cơ quan chủ trì soạn thảo nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lấy ý kiến các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh và các cơ quan, tổ chức có liên quan. (3) Về ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục rút gọn Sửa đổi, bổ sung Điều 37 của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP, cụ thể bổ sung khoản 3a vào sau khoản 3 Điều 37 như sau “Đề nghị xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục rút gọn quy định tại khoản 1, 2 và 3 Điều này được thực hiện trước hoặc trong quá trình soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật”. Sửa đổi bổ sung khoản 4 Điều 37 theo hướng quy định cụ thể văn bản đề nghị xây dựng, ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn cần có những nội dung: Sự cần thiết ban hành; tên văn bản; đối tượng phạm vi điều chỉnh; nội dung chính của văn bản; Căn cứ áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn (trong đó nêu cụ thể trường hợp được áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn quy định tại Điều 146 của Luật; lý do đề nghị áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn. Đối với trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 146 của Luật, phải nêu rõ vấn đề phát sinh trong thực tiễn và hậu quả có thể xảy ra nếu không kịp thời ban hành văn bản quy phạm pháp luật để giải quyết vấn đề đó); Dự kiến cơ quan chủ trì soạn thảo và thời gian trình hoặc ban hành văn bản. (4) Sửa đổi, bổ sung một số quy định để quy định rõ ràng, cụ thể hơn, giúp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhưng vẫn bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật Sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 38 để quy định rõ hơn trách nhiệm công bố danh mục văn bản quy định chi tiết hết hiệu lực: Cơ quan đã ban hành văn bản quy định chi tiết hết hiệu lực có trách nhiệm công bố danh mục văn bản quy định chi tiết hết hiệu lực theo quy định tại khoản 4 Điều 154 của Luật trước ngày các văn bản đó hết hiệu lực. Đối với nghị quyết của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp thực hiện việc công bố danh mục nghị quyết hết hiệu lực do Ủy ban nhân dân cùng cấp lập và báo cáo Hội đồng nhân dân tại kỳ họp gần nhất. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 13, khoản 2 Điều 43, khoản 2 Điều 44, khoản 3 Điều 48, khoản 3 và khoản 7 Điều 49, Điều 50 và Điều 51 để quy định rõ nguyên tắc hoạt động của Hội đồng tư vấn thẩm định, Hội đồng thẩm định, trách nhiệm của các thành viên Hội đồng thẩm định…; sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 2 Điều 113 để quy định rõ hơn thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Tư pháp trong việc giúp Chính phủ kiểm tra văn bản có dấu hiệu trái pháp luật. Khoản 1 Điều 42 được sửa đổi và quy định rõ “tài liệu trong hồ sơ dự án, dự thảo gửi kèm văn bản đề nghị Bộ Tư pháp thẩm định gồm: Tờ trình; dự thảo văn bản được đóng dấu giáp lai; các tài liệu khác được đóng dấu treo của bộ, cơ quan ngang Bộ”. Sửa đổi, bổ sung khoản 1, khoản 2 và khoản 4 Điều 181 của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP để quy định rõ các hoạt động lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; hoạt động liên quan đến tổ chức thi hành pháp luật, cụ thể: - Hoạt động lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và chương trình xây dựng luật, pháp lệnh gồm: Tổng kết việc thi hành pháp luật; khảo sát, đánh giá thực trạng quan hệ xã hội có liên quan; nghiên cứu khoa học, thông tin tư liệu, điều ước quốc tế, dịch tài liệu của nước ngoài ra tiếng Việt; xây dựng nội dung của chính sách; đánh giá tác động của chính sách; thực hiện truyền thông nội dung cơ bản của chính sách và tổ chức lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức có liên quan; chỉnh lý, hoàn thiện đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; lập các loại danh mục, chương trình, kế hoạch xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ, cơ quan ngang bộ và chính quyền địa phương. - Hoạt động xây dựng văn bản quy phạm pháp luật gồm: Tổ chức soạn thảo văn bản; tập hợp, rà soát, đánh giá văn bản có liên quan; đánh giá tác động của văn bản; thực hiện truyền thông nội dung cơ bản của dự thảo văn bản và tổ chức lấy ý kiến cơ quan, tổ chức có liên quan, chỉnh lý, hoàn thiện văn bản. - Các hoạt động liên quan đến tổ chức thi hành pháp luật gồm: Phổ biến, giáo dục pháp luật; kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật; rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật; kiểm soát thủ tục hành chính; theo dõi tình hình thi hành pháp luật; hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật, pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật; Công báo; dịch văn bản quy phạm pháp luật ra tiếng nước ngoài, tiếng dân tộc thiểu số. Bổ sung khoản 1a vào sau khoản 1 Điều 184 về truyền thông nội dung cơ bản của chính sách trong đề nghị xây dựng dự án, dự thảo, cụ thể “Tổ chức truyền thông nội dung cơ bản của chính sách trong đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng, các hình thức khác về các vấn đề phức tạp, được dư luận xã hội quan tâm, có nhiều ý kiến khác khác nhau và tác động trực tiếp làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp”. Bổ sung khoản 3 vào Điều 188 quy định cách thức xử lý thông tư liên tịch giữa các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, trong đó hướng dẫn hình thức văn bản và cách thức xử lý trong trường hợp cần phải bãi bỏ, thay thế. Nghị định cũng quy định thay thế Mẫu Báo cáo đánh giá tác động của chính sách, Mẫu Tờ trình đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo hướng dễ hiểu, dễ áp dụng, ngắn gọn hơn; bổ sung Mẫu Báo cáo rà soát VBQPPL có liên quan đến dự án, dự thảo, Mẫu Báo cáo lồng ghép vấn đề bình đẳng giới và Mẫu Bản tổng hợp, giải trình, tiếp thu ý kiến góp ý. Sở Công Thương thực hiện đăng tải nội dung Nghị định số 59/2024/NĐ-CP để cán bộ, công chức, viên chức nghiên cứu, tìm hiểu. Chi tiết văn bản tại đây: NĐ 59.2024.pdf Thanh tra Sở
Bộ Chính trị Ban hành Quy định về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công