Một năm mất mùa được giá của người trồng nhãn Hưng Yên

Năm nay do ảnh hưởng bởi thời tiết, sản lượng nhãn của tỉnh Hưng Yên chỉ còn đạt 82 – 85% so với năm trước, điều này đã khiến giá nhãn tăng cao thời gian qua.

Trong những ngày này, người nông dân trồng nhãn tại Hưng Yên không khỏi vui mừng khi giá nhãn tại vườn luôn duy trì ở mức cao. Chia sẻ với Mekong ASEAN, chị Huyền (hợp tác xã Tiên Châu Phố Hiến) cho biết, tổng sản lượng của HTX vụ năm nay khoảng 100 tấn, được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP.

Hiện nhà vườn đang bán tại chỗ với giá 75.000-80.000 đồng/kg đối với nhãn Cùi và 30.000 – 35.000 đồng/kg đối với nhãn Hương Chi. Năm ngoái, cùng thời điểm, giá mỗi loại đều thấp hơn, riêng nhãn Cùi chỉ có 65.000 – 70.000 đồng/kg.

Giá thu mua nhãn Cùi loại ngon tại vườn của HTX Minh Bảo (Khoái Châu, Hưng Yên) ở thời điểm hiện tại cũng dao động từ 35.000 – 40.000 đồng/kg.

Là hợp tác xã chuyên cung cấp nhãn vào hệ thống siêu thị Big C, đại diện HTX Nông nghiệp Đăng Dương (Phù Cừ, Hưng Yên) chia sẻ, năm nay nhãn Hương Chi vào big C khoảng 25-30 tấn, giá thu mua cũng cao hơn năm ngoái với mức 20.000 – 25.000 đồng/kg.

Tại các đơn vị bán lẻ, ghi nhận của Mekong ASEAN ngày 27/8, tại cửa hàng trái cây Tony Fruit (địa chỉ Lò Đúc, Hai Bà Trưng), nhãn Hương Chi của Hưng Yên loại ngon đạt 75.000 đồng/kg, thấp hơn 20.000 đồng so với đầu vụ (đầu vụ bán với giá 95.000 đồng/kg).

Tại Lotte Mart (Liễu Giai, Ba Đình), nhãn Hưng Yên ở mức 30.900 đồng/kg sau khuyến mại (trước khuyến mại bán với giá 52.900 đồng/kg).

 

Một năm mất mùa được giá của người trồng nhãn Hưng Yên ảnh 1

Giá nhãn Hưng Yên ghi nhận tại Lotte Mart ngày 27/8. Ảnh: Lê Hồng Nhung

Trong khi đó, một số hệ thống siêu thị khác lại không ghi nhận mặt hàng nhãn trên kệ hàng. Ghi nhận tại siêu thị Winmart+ khu vực Nguyễn Đổng Chi, Ngô Thì Nhậm và Đại La ngày 27/8 đều không có sẵn hàng, nếu khách hàng muốn mua thì phải đặt trước.

Tương tự, đại siêu thị Big C Thăng Long hiện chỉ bán sản phẩm nhãn Sơn La với giá gần 17.000 đồng/kg.

Tại các chợ dân sinh, một số tiểu thương cũng không còn bày mặt hàng nhãn trên các kệ hàng. Chị Mai (tiểu thương Chợ Hôm – Đức Việt, Hai Bà Trưng) cho biết, nhãn hiện bán ế nên chị không bày, nhưng nếu khách muốn mua thì hàng luôn sẵn có với giá 60.000 đồng/kg loại nhãn Cùi Hưng Yên ngon.

Trong khi đó, tại Phùng Khoang - khu chợ sầm uất nhất ở phía Nam quận Thanh Xuân, các tiểu thương đều bán với giá 25.000 đồng/kg. Tại các khu vực quanh Hàm Nghi (Nam Từ Liêm), giá nhãn dao động từ 25.000 – 30.000 đồng/kg. Các loại nhãn được bày bán ở các khu chợ này đều không phải nhãn loại 1 nên giá có phần "mềm" hơn.

 

Một năm mất mùa được giá của người trồng nhãn Hưng Yên ảnh 2

Các tiểu thương tại chợ Phùng Khoang đều bán với giá 25.000 đồng/kg nhãn. Ảnh: Lê Hồng Nhung

Lý giải nguyên nhân giá nhãn tăng cao thời gian qua, chia sẻ với nhóm phóng viên tại Tuần lễ nhãn – nông sản Hưng Yên năm 2023 diễn ra ngày 25/8 vừa qua, ông Nguyễn Văn Thơ – Giám đốc Sở Công Thương Hưng Yên cho biết là do sản lượng nhãn giảm và chất lượng tăng.

Toàn tỉnh Hưng Yên hiện có hơn 4.600 ha nhãn, trong đó có hơn 30% diện tích được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP.

Năm 2023, Hưng Yên cũng chứng kiến sự sụt giảm mạnh về lượng, từ 15-18% (còn khoảng 42.000 tấn nhãn), chủ yếu do thời tiết không thuận lợi, có thời điểm nắng gay gắt kéo dài đến 30 ngày và một số ngày lại gặp mưa axit.

Đại diện HTX Nông nghiệp Đăng Dương chia sẻ: “Sản lượng thu hoạch của HTX chỉ đạt 40 -50 tấn, các năm trước thì phải lên đến 60-70 tấn”. Năm 2022 HTX Đức Thắng đạt gần 100 tấn nhãn, năm nay chỉ còn 50-70 tấn.

Sản lượng thấp nên dù vui mừng vì giá cao nhưng người nông dân cũng không khỏi ngậm ngùi khi doanh thu không tăng. “Được mùa mất giá thì doanh thu cải thiện, được giá mất mùa như năm nay thì doanh thu chả thay đổi là bao so với năm trước”, đại diện HTX Minh Bảo chia sẻ.

https://mekongasean.vn/mot-nam-mat-mua-duoc-gia-cua-nguoi-trong-nhan-hung-yen-post26185.html

Tin liên quan

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử






Gửi đánh giá Xem kết quả
17 người đang online