08/07/2019 | lượt xem: 1 Ký kết Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu Ngày 30/6/2019, tại thủ đô Hà Nội, Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (Hiệp định EVFTA và IPA) đã chính thức được ký kết, sự kiện này là dấu mốc quan trọng trong quan hệ đối tác bền vững, thúc đẩy phát triển kinh tế cũng như củng cố quan hệ thương mại và đầu tư, tăng cường hợp tác và làm sâu sắc hơn mối quan hệ lâu dài giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu. Hiệp định EVFTA gồm 17 chương, 2 nghị định thư và một số văn bản ghi nhớ kèm theo với các nội dung chính là: thương mại hàng hóa (gồm các quy định chung và cam kết mở cửa thị trường), quy tắc xuất xứ, hải quan và thuận lợi hóa thương mại, các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm (SPS), các rào cản kỹ thuật trong thương mại (TBT), thương mại dịch vụ (gồm các quy định chung và cam kết mở cửa thị trường), đầu tư, phòng vệ thương mại, cạnh tranh, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm của Chính phủ, sở hữu trí tuệ, thương mại và Phát triển bền vững, hợp tác và xây dựng năng lực, các vấn đề pháp lý-thể chế. Đối với Hiệp định IPA, hai bên cam kết sẽ dành đối xử quốc gia (dựa trên cam kết thương mại, một nước sẽ dành cho sản phẩm, dịch vụ, nhà cung cấp của nước khác những ưu đãi không kém hơn so với ưu đãi mà nước đó đang và sẽ dành cho sản phẩm, dịch vụ, nhà cung cấp của nước mình) và đối xử tối huệ quốc (yêu cầu các nước áp dụng mức thuế quan như nhau đối với tất cả các nước bạn hàng) với đầu tư của nhà đầu tư của Bên kia, với một số ngoại lệ, cũng như sự đối xử công bằng, thỏa đáng, bảo hộ an toàn và đầy đủ, cho phép tự do chuyển vốn và lợi nhuận từ đầu tư ra nước ngoài, cam kết không trưng thu, quốc hữu hóa tài sản của nhà đầu tư mà không có bồi thường thỏa đáng, cam kết bồi thường thiệt hại phù hợp cho nhà đầu tư của bên kia tương tự như nhà đầu tư trong nước hoặc của bên thứ ba trong trường hợp bị thiệt hại do chiến tranh, bạo loạn, v.v...Trong trường hợp có tranh chấp phát sinh giữa một Bên và nhà đầu tư của Bên kia, hai bên thống nhất ưu tiên giải quyết tranh chấp một cách thiện chí thông qua đàm phán và hòa giải. Trong trường hợp không thể giải quyết tranh chấp thông qua tham vấn và hòa giải thì mới sử dụng đến cơ chế giải quyết tranh chấp được quy định cụ thể trong Hiệp định này. Hiệp định EVFTA và IPA sẽ được trình Quốc hội Việt Nam xem xét phê chuẩn, về phía EU trình Nghị viện Châu Âu thông qua. Riêng Hiệp định IPA cần có thêm sự phê chuẩn của Nghị viện các nước thành viên EU. Việt Nam và Liên minh Châu Âu cam kết tiếp tục thúc đẩy thực hiện hiệu quả Hiệp định EVFTA và IPA và sẽ hợp tác chặt chẽ để đảm bảo cả hai bên phải tuân thủ đầy đủ các nghĩa vụ theo các Hiệp định này. Phòng Kế hoạch Tài chính Tổng hợp
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên kiểm tra tiến độ thực hiện Dự án đường dây 500kV Nhà máy nhiệt điện Nam Định I - Phố Nối tại Hưng Yên