Gia tăng nguy cơ thừa thép

Sản lượng thép xây dựng trên cả nước đang dư thừa khoảng 2,67 triệu tấn và từ nay đến cuối năm 2011 nguy cơ dư thừa sẽ tiếp tục gia tăng, khi một số dự án có công suất từ 250 - 500 nghìn tấn/năm đi vào hoạt động.

Như vậy, cùng với việc mất cân đối cung cầu thì cạnh tranh giữa các doanh nghiệp sẽ ngày càng khốc liệt hơn. Do đó, xuất khẩu đang được coi là giải pháp khả thi nhằm giải phóng lượng thép dư thừa, nhưng điều này cũng không phải dễ.

Mặc dù, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) đã liên tục cảnh báo về khả năng dư thừa công suất, nhưng hàng loạt các dự án thép, đặc biệt là các dự án nằm ngoài “vùng phủ sóng” vẫn được cấp phép. Đến nay, tổng công suất sản xuất thép xây dựng (thép thanh, thép cuộn, thép hình cỡ nhỏ) của cả nước đã đạt 8,99 triệu tấn/năm, trong khi đó, tổng tiêu thụ mới chỉ dừng ở mức 6,32 triệu tấn.

Tình trạng dư thừa công suất không phải đến nay mới đề cập đến mà đã được cảnh báo ngay từ khi Quy hoạch phát triển ngành thép được ban hành vào năm 2007. Theo số liệu từ VSA, hiện nay cả nước có 65 dự án sản xuất gang thép công suất 100 nghìn tấn/năm trở lên (chưa kể các dự án của Tổng công ty thép Việt Nam quản lý). Trong đó có 58 dự án trong nước, liên doanh và 7 dự án FDI (đầu tư trực tiếp nước ngoài).

Đáng lưu ý trong số các dự án trên chỉ 17 dự án trong quy hoạch, 16 dự án được bổ sung quy hoạch, còn lại 32 dự án do các địa phương tự cấp phép không theo quy hoạch, chưa có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ và không thỏa thuận với Bộ Công Thương theo quy định (những dự án trên 1.500 tỷ đồng phải được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, còn những dự án dưới 1.500 tỷ đồng phải được sự chấp thuận của Bộ Công Thương).

Dư thừa sản lượng thép xây dựng sẽ không chỉ dừng lại ở con số 2,67 triệu tấn mà tiếp tục được gia tăng trong thời gian tới. Ngay từ tháng 6/2011, dự kiến sẽ có thêm một số dự án đi vào sản xuất với tổng công suất hơn 2 triệu tấn/năm.

Theo ước tính của VSA, chỉ tính riêng trong 5 tháng đầu năm 2011, tổng sản lượng thép xây dựng sản xuất của cả nước là khoảng 2,21 triệu tấn, tăng 14% (281 nghìn tấn), trong khi đó, tổng mức tiêu thụ ước đạt 2,14 triệu tấn, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2010. Chưa kể mức tồn kho thành phẩm tháng 5 vào khoảng 320 nghìn tấn, phôi thép chuẩn bị cho sản xuất tháng 6 là 520 nghìn tấn. Như vậy, nguồn cung hiện tại đã vượt xa so với nhu cầu. Đó là các nhà máy thép mới chỉ vận hành với 50 - 60% công suất thiết kế.

VSA cho biết thêm, trong khi sản lượng thép trong nước đang dư thừa, thì tính đến ngày 15/4/2011 tổng lượng thép và nguyên liệu thép nhập khẩu vào Việt Nam đã đạt số lượng 2.631.811 tấn, trong đó, thép cuộn 6, 8 khoảng 113.840 tấn, thép tấm lá đen là 1.039.626 tấn và một số loại thép khác.

Theo VSA, năm 2010, ngành thép đã rất thành công khi xuất khẩu đạt mức kỷ lục với 1,3 triệu tấn sắt thép các loại, thu về khoảng 1,3 tỷ USD, tăng 162,92% về lượng và tăng 174,18% về trị giá so với năm 2009. Dẫn đầu là xuất khẩu vào Campuchia với 274,8 nghìn tấn, tiếp đến là Malaysia với 135,7 nghìn tấn, còn lại là các thị trường khác như: Indonesia, Trung Quốc, ấn Độ, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan, Thái Lan, Lào, Australia...

Tuy nhiên, con số này còn quá khiêm tốn so với 7,1 tỷ USD nhập khẩu thép và các sản phẩm liên quan đến thép. Điều đáng nói là Việt Nam mới chỉ xuất khẩu một vài sản phẩm thép, trong đó thép xây dựng chỉ chiếm tỷ lệ không nhiều.

Hướng đi hiệu quả nhất hiện nay là phải tăng cường xuất khẩu thành phẩm (không phải phôi hay quặng thô), việc này không những “giải phóng” lượng hàng tồn trong các nhà máy, mà còn cải thiện chênh lệch xuất nhập khẩu của ngành.

Tuy nhiên, theo VSA, sản phẩm sắt thép Việt Nam đang phải cạnh tranh gay gắt về giá với các nước trong khu vực Đông Nam á, Trung Quốc, Australia. Những nước này xuất khẩu sắt thép với sản lượng rất lớn, lại được ưu đãi về thuế, nên khi ra thị trường thế giới, giá sản phẩm rất cạnh tranh. Trong khi, Việt Nam xuất khẩu với số lượng nhỏ, lại chưa được hỗ trợ về thuế, nên khả năng cạnh tranh chưa cao.

Chưa hết, mới đây Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) đã đề xuất tăng thuế xuất khẩu đối với một số mặt hàng, trong đó có thép xây dựng lên 1,3 - 2%, phôi thép 3% với lý do để điều tiết lợi nhuận của các doanh nghiệp thu được nhờ lợi thế giá thấp của một số yếu tố đầu vào, trong đó có giá điện. Tuy nhiên, VSA cho rằng, đề xuất tăng thuế sẽ làm khó cho doanh nghiệp thép trong nước, trên thực tế, trong sản xuất thép, điện chỉ chiếm khoảng 6% chi phí giá thành.

Với tiềm lực của mình, ngành thép trong nước đang có động lực rất tốt cho xuất khẩu. Nếu được sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng, đặc biệt là về chính sách thuế, chắc chắn xuất khẩu của thép Việt Nam sẽ dần tìm được vị trí tương xứng với tiềm năng của mình.

(VnEconomy)

Tin liên quan

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử






Gửi đánh giá Xem kết quả
75 người đang online