16/12/2013 | lượt xem: 2 Công Thương Hưng Yên năm 2013 - nỗ lực vươn lên trong gian khó Năm 2013, năm bản lề của kế hoạch 5 năm 2011 - 2015, một năm với nhiều khó khăn dồn nén, đã khép lại. Trong bức tranh kinh tế xã hội của tỉnh, Công Thương vẫn là điểm nhấn quan trọng tạo lên những nét tươi sáng trong tổng thể khá mờ nhạt của nền kinh tế do chịu tác động sâu sắc của khủng khoảng, khó khăn của nền kinh tế thế giới và trong nước. Công nghiệp, thương mại tăng trưởng trong khó khăn Mặc dù đã có những tín hiệu khởi sắc của nền kinh tế trong nước và sự phục hồi đáng kể hơn của kinh tế thế giới, song khó khăn, thách thức vẫn là những yếu tổ chủ đạo đối với sản xuất công nghiệp, hoạt động thương mại của cả nước nói chung và Hưng Yên nói riêng. Giá cả nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào cho sản xuất, kinh doanh tiếp tục biến động theo chiều hướng tăng; sức mua của thị trường trong nước chưa được cải thiện nhiều, thị trường xuất khẩu chưa thật sự thuận lợi do các thị trường chủ yếu, truyền thống vẫn đang dần hồi phục; khả năng tiếp cận vốn tín dụng của nhiều doanh nghiệp còn hạn chế; thu hút đầu tư mới vào lĩnh vực công thương tăng trưởng chậm, chủ yếu vẫn chỉ có các dự án quy mô nhỏ, năng lực tăng thêm chưa đủ để tạo lên sự bứt phá cho sản xuất công nghiệp, hoạt động thương mại của tỉnh,… Trong khi đó, hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có quy mô vừa và nhỏ, trình độ công nghệ, quản lý, năng lực cạnh tranh chỉ ở mức trung bình, nhất là khối các doanh nghiệp trong nước, khả năng ứng phó với khó khăn, chuyển đổi công nghệ, sản phẩm, chiến lược sản xuất kinh doanh còn chậm, sản xuất cơ bản là gia công, lắp ráp,… thêm vào đó là hạ tầng thương mại của tỉnh còn yếu, tiến độ cải tạo, đầu tư mới hệ thống chợ, trung tâm thương mại, siêu thị chậm chạp, hệ thống phân phối hàng hóa giản đơn, thủ công là chính đã dẫn tới khó khăn như càng dầy thêm với ngành Công Thương tỉnh nhà. Sớm nhận thức được những thử thách đó, ngay từ đầu năm, Sở Công Thương đã đồng loạt triển khai nhiều giải pháp đồng bộ theo chỉ đạo của UBND tỉnh và Bộ Công Thương trên cơ sở điều kiện thực tiễn của tỉnh mà trọng tâm là ba nội dung: Thứ nhất, bám sát cơ sở, rà soát hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, nắm bắt đầy đủ những khó khăn, vướng mắc để vận dụng những giải pháp của Chính phủ, Bộ Công Thương kịp thời đưa ra các giải pháp tháo gỡ theo thẩm quyền, hoặc phối hợp với các Sở, ngành, địa phương giải quyết, tham mưu, kiến nghị giải quyết trên tinh thần tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; Thứ hai, đẩy mạnh các hoạt động trợ giúp, tư vấn về vốn, công nghệ, áp dụng máy móc kỹ thuật tiên tiến, hiện đại, đào tạo nâng cao tay nghề cho người lao động, hỗ trợ chi phí tham gia hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh, cung cấp thông tin thị trường, giá cả,… cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp nhằm giảm bớt khó khăn, kích thích hoạt động đầu tư đổi mới, mở rộng sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, cơ sở trong toàn Ngành; Thứ ba, tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rà soát loại bỏ những rào cản và hoàn thiện cơ chế, chính sách liên quan đến lĩnh vực hoạt động của ngành kể cả ở cấp độ Trung ương và ở Tỉnh tạo hành lang pháp lý và cơ chế ngày càng thuận lợi, minh bạch, bình đẳng hơn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nhờ vậy, mặc dù chưa đạt được tất cả những mục tiêu đề ra nhưng sản xuất công nghiệp, thương mại tỉnh nhà đã đạt mức tăng trưởng khá cao đóng góp quan trọng cho việc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế xã hội của tỉnh. - Giá trị sản xuất công nghiệp đạt trên 69,74 nghìn tỷ đồng (giá so sánh năm 2010), tăng trưởng 7,31% so với năm 2012, trong đó: công nghiệp khai thác ước đạt 63,6 tỷ đồng, tăng 8,34%; công nghiệp chế biến, chế tạo ước đạt 67.923,4 tỷ đồng tăng 7,2%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, hơi nước, điều hòa không khí 680 tỷ đồng tăng 20,27%; cung cấp nước, hoạt động quản lý, xử lý nước thải 1.075 tỷ đồng, tăng 7,34%. Một số sản phẩm chủ yếu có mức tăng trưởng khá như: quần áo các loại tăng 9,64%; thép cán các loại tăng 9,76%; thức ăn gia súc tăng 11,05%; tủ lạnh, tủ đá tăng 10,29%; điều hòa nhiệt độ tăng 7%,… - Tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ ước đạt 16.582 tỷ đồng, tăng 11,7% so với cùng kì, trong đó: thương nghiệp đạt 15.032 tỷ đồng tăng 11,6%; khách sạn nhà hàng 990 tỷ đồng, tăng 12,5%; dịch vụ 560 tỷ đồng tăng 13,13%. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1.700 triệu USD tăng 39,38% so với năm 2012, nhập khẩu 2.210 triệu USD tăng 27,09% so với cùng kì. Với những kết quả trên, công nghiệp tiếp tục giữ vững vai trò chủ lực trong cơ cấu kinh tế của tỉnh với tỷ trọng công nghiệp, xây dựng chiếm 48,21% GDP của tỉnh, đồng thời nhờ hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu tăng trưởng khá cao đã tạo tiền đề cho việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh ước đạt 5.700 tỷ đồng, vượt 5% so với dự toán Trung ương giao năm 2013. Đây thực sự là những tín hiệu mừng và rất đáng khích lệ đối với Ngành Công Thương, cộng đồng doanh nghiệp tỉnh nhà trong một năm đầy khó khăn thửa thách vừa qua. Công tác quản lý nhà nước tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả Với mục tiêu công tác quản lý nhà nước phải nỗ lực và hướng tới thúc đẩy sự tăng trưởng của Ngành khẩn trương đưa sản xuất công nghiệp, thương mại tỉnh nhà vượt qua giai đoạn trì trệ tăng trưởng cao trở lại, năm 2013 các nội dung chủ yếu của hoạt động quản lý nhà nước về công nghiệp và thương mại được quan tâm chỉ đạo và tổ chức thực hiện tốt, là yếu tố quan trọng trong thực hiện các chỉ tiêu của Ngành. - Công tác quy hoạch, kế hoạch, tham mưu cơ chế, chính sách: Thường xuyên rà soát các quy hoạch ngành, lĩnh vực đã được phê duyệt, hoàn thành xây dựng mới một số quy hoạch như: Quy hoạch phát triển hạ tầng thương mại nông thôn trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025, Quy hoạch mạng lưới kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đến năm 2020, Quy hoạch mạng lưới bán buôn bán lẻ trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đến năm 2020; xây dựng trình UBND tỉnh xem xét ban hành nhiều cơ chế, chính sách, quy định của tỉnh thuộc lĩnh vực công nghiệp, thương mại: "Quy định một số cơ chế chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp tỉnh Hưng Yên” , “Quy chế phối hợp quản lý nhà nước đối với cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hưng Yên, “Quy định về việc bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu trên địa bàn tỉnh”, "Quy định về đầu tư mua sắm phương tiện, trang thiết bị tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả", “Quy chế xây dựng quản lý và thực hiện chương trình xúc tiến thương mại của tỉnh Hưng Yên"...; tham gia ý kiến sửa đổi, bổ sung các văn bản Luật, Nghị định, Thông tư hướng dẫn thực hiện các lĩnh vực công thương... trên cơ sở tổng hợp, đúc rút từ thực tiễn góp phần nâng cao tính khả thi, hiệu lực, hiệu quả của các văn bản quy phạm pháp luật, các quy định của Trung ương và của Tỉnh. - Công tác Quản lý nhà nước về công nghiệp: Thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về điện năng đảm bảo đẩy nhanh tiến độ đầu tư, xây dựng các công trình, dự án mới, cải tạo, phát triển lưới điện của tỉnh đáp ứng như cầu sản xuất, sinh hoạt của nhân dân. Hoạt động cấp phép, gia hạn giấy phép hoạt động điện lực được tổ chức thực hiện đúng quy định, thẩm định 04 nhiệm vụ thiết kế và báo cáo kinh tế kỹ thuật, thẩm tra 12 công trình điện giảm 24% giá trị tổng dự toán, tiết kiệm 14,095 tỷ đồng cho ngân sách nhà nước. Trong lĩnh vực an toàn công nghiệp và vệ sinh môi trường,đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về hóa chất, vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường, phòng chống cháy nổ, vật liệu nổ công nghiệp tại các doanh nghiệp trong tỉnh, tổ chức thẩm định, cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh hóa chất, điều kiện chiết nạp LPG vào chai, điều kiện an toàn thực phẩm, cấp Giấy phép sản xuất rượu,... đúng quy định của pháp luật, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện các quy định của pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm, hóa chất, môi trường, an toàn công nghiệp góp phần đưa việc thực thi các quy định này dần đi vào nề nếp. - Công tác Quản lý nhà nước về hoạt động thương mại: Tăng cường các hoạt động tuyên truyền, triển khai và kiểm tra thực hiện các văn bản pháp luật về lĩnh vực thương mại; tiếp tục phối hợp với các Phòng Công thương, Phòng Kinh tế các huyện, thành phố tăng cường công tác quản lý chợ, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh; thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; mở rộng các hoạt động hỗ trợ về thương mại điện tử đối với doanh nghiệp bằng nhiều hình thức: tuyên truyền, phổ biến kiến thức về TMĐT, hỗ trợ doanh nghiệp lập website;... từng bước khuyến khích, mở rộng hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh. - Công tác thanh tra, Quản lý thị trường được quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện đạt kết quả: Thanh tra Sở đã thực hiện 03 cuộc thanh tra với số đối tượng được thanh tra là 80 tổ chức, cá nhân đối với việc chấp hành các quy định của Nhà nước trong lĩnh vực kinh doanh thương mại, an toàn công nghiệp, môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm,... kết quả thanh tra cho thấy cơ bản các doanh nghiệp đã chấp hành tốt các quy định về điều kiện kinh doanh, không có tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật. Hoạt động quản lý thị trường được triển khai có hiệu quả trên cơ sở đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát theo địa bàn, tập trung kiểm tra theo ngành hàng, nhóm hàng, giá bán hàng hóa trên cơ sở bám sát sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và Ban chỉ đạo 127 tỉnh kịp thời ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm. Trong năm 2013, đã kiểm tra 1.100 vụ, xử lý 417 vụ vi phạm, tổng số tiền thu nộp vào ngân sách nhà nước trên 1,15 tỷ đồng. - Hoạt động khuyến công, xúc tiến thương mại: Trong điều kiện khó khăn, hoạt động khuyến công và xúc tiến thương mại được xem như một công cụ tích cực, là xúc tác cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ, các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp nông thôn. Trong năm, hoạt động khuyến công đã giải ngân trên 1,8 tỷ đồng từ cả hai nguồn quốc gia và địa phương với các nội dung hỗ trợ đào tạo nghề, hỗ trợ áp dụng máy móc thiết bị tiên tiến, hỗ trợ chuyển giao công nghệ, đào tạo nâng cao năng lực quản lý, thông tin tuyên truyền,… Hoạt động xúc tiến thương mại chú trọng nội dung hỗ trợ cung cấp thông tin thị trường, thông tin công nghệ, hỗ trợ tham gia các hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh nhằm tiếm kiếm đối tác liên doanh, liên kết, tìm kiếm thị trường mới,… với tổng kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước 54 triệu đồng. Các nội dung khác của công tác quản lý nhà nước về công nghiệp, thương mại trên địa bàn tỉnh được tổ chức thực hiện, phối hợp hiệu quả với các Sở, ngành hữu quan, các địa phương tập trung cao độ cho mục tiêu hỗ trợ tối đa, sát cánh cùng cộng đồng doanh nghiệp vượt qua thời kì khó khăn. Năm 2013 khép lại với bộn bề những lo toan của cộng đồng doanh nghiệp trong Ngành về những khó khăn, thách thức chưa thể vượt qua trong một sớm một chiều và những băn khoăn, chia sẻ của các cấp chính quyền, cơ quan quản lý nhà nước trong bối cảnh nền kinh tế trong và ngoài nước chưa thoát khỏi giai đoạn trì trệ. Tuy nhiên, từ những kết quả đã đạt được trong năm 2013 cộng với những dự đoán khả quan hơn của nền kinh tế và sự nỗ lực hơn nữa của cán bộ, công chức, doanh nhân, người lao động toàn Ngành, tin tưởng rằng công nghiệp, thương mại tỉnh ta năm 2014 sẽ tăng trưởng cao hơn, hiệu quả, chất lượng hơn năm 2013 góp phần đưa nền kinh tế của tỉnh sớm lấy lại đà tăng trưởng và phát triển nhanh, vững chắc. TP KHTC
Hội nghị ngành Công Thương 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc lần thứ IX: Bộ Công Thương sát cánh cùng địa phương hoàn thành kế hoạch
Chùm ảnh: Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên thăm quan gian hàng xúc tiến nông sản tại Hưng Yên