23/06/2011 | lượt xem: 3 Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Hưng Yên: Nhiều hoạt động bình ổn thị trường Ổn định thị trường là một trong những nhiệm vụ quan trọng thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP về những giải pháp chủ yếu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội. Do đó Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) Hưng Yên đã tích cực tăng cường tổ chức, đổi mới phương thức hoạt động và chủ động công tác nghiệp vụ góp phần làm lành mạnh hoá thị trường trên địa bàn tỉnh. Tỉnh Hưng Yên nằm ở vị trí cửa ngõ phía đông nam thủ đô Hà Nội. Hoạt động giao thương, lưu thông hàng hoá trên địa bàn tỉnh, nhất là tuyến quốc lộ 5 diễn ra rất sôi động. Tình trạng buôn bán hàng nhập lậu, hàng giả, gian lận thương mại các mặt hàng thuốc lá, rượu, linh kiện điện tủ, thực phẩm, xăng dầu… diễn biến với tính chất phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ gia tăng dưới nhiều hình thức khác nhau. Các đối tượng xấu triệt để lợi dụng những bất cập và kẽ hở trong cơ chế chính sách để trốn thuế, buôn lậu và buôn bán hàng giả, gian lận thương mại trong đó nóng nhất là vẫn là nạn buôn lậu và gian lận thương mại. Để đấu tranh kịp thời và hiệu quả với tệ nạn này, Chi cục QLTT đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu lực trong công tác kiểm tra, kiểm soát bình ổn thị trường theo sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Công Thương và Cục QLTT nhằm thực hiện tốt Nghị quyết 11. Trước hết chi cục tăng cường đội ngũ theo đề án kiện toàn bộ máy của chi cục giai đoạn 2011-2015, thành lập thêm 3 đội quản lý thị trường. Cơ cấu tổ chức bộ máy chi cục gồm 2 phòng chuyên môn và 7 đội QLTT với tổng số 41 cán bộ công chức, trong đó 88,8% đồng chí có trình độ đại học. Theo Thông tư số 24/2009/TT-BCT về công tác quản lý địa bàn của cơ quan QLTT, chi cục bố trí, phân công mỗi đội QLTT quản lý địa bàn 1-3 huyện, thành phố hoặc chuyên trách chống buôn lậu, hàng giả, QLTT cơ động. Do đó công tác QLTT trong phạm vi địa bàn được các đội thực hiện toàn diện, thường xuyên, liên tục và đi vào chiều sâu hơn. Hoạt động của các đội QLTT không chỉ là kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm mà còn tiến hành theo dõi, tổng hợp số liệu, thường xuyên cập nhật thông tin về các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, hoạt động thương mại trên địa bàn về tên, địa chỉ, loại hình kinh doanh, mặt hàng, ngành hàng sản xuất kinh doanh chủ yếu, đồng thời tổ chức theo dõi việc chấp hành pháp luật, tình hình hoạt động thương mại trên địa bàn được phân công quản lý; Lập sổ bộ thống kê, điều tra cơ bản, phân loại tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và hoạt động thương mại trên địa bàn, thống kê kho, bãi xe, ga đường sắt, đường thuỷ, các chợ đầu mối, làng nghề; Tổng hợp và phản ánh kịp thời diễn biến, tình hình thị trường, giá cả đối với các mặt hàng thiết yếu, địa bàn trọng điểm và các biến động bất thường của thị trường. Nhờ chủ động, thường xuyên bám sát diễn biến hoạt động sản xuất, kinh doanh ở các địa phương nhất là nắm chắc, phát hiện kịp thời các di biến động của các đối tượng có dấu hiệu buôn lậu, gian lận thương mại chi cục đã có phương án đấu tranh, xử lý hiệu quả đối với các trường hợp vi phạm. Sự đổi mới tổ chức hoạt động này đã từng bước nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức của chi cục. Các đội QLTT gắn trách nhiệm với địa bàn quản lý, với quyết tâm ngăn chặn mọi hành vi kinh doanh trái phép của các đối tượng. Bám sát sự chỉ đạo của tỉnh và cấp trên về tăng cường quản lý giá, bình ổn giá năm 2011; kiểm tra, kiểm soát thị trường chống đầu cơ, găm hàng, tăng giá đối với mặt hàng xăng dầu; chống kinh doanh vàng, ngoại tệ trái phép… chi cục sớm phân công, giao nhiệm vụ cho từng đội QLTT kiểm tra, kiểm soát theo địa bàn quản lý, điều tra, trinh sát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, tập trung kiểm tra các mặt hàng thiết yếu như gạo, lương thực, thực phẩm, xăng dầu.. kiểm tra chặt chẽ quy chế ghi nhãn việc thực hiện niêm yết giá và bán theo giá niêm yết đối với các loại hàng hoá. Xác định xăng dầu là mặt hàng nhạy cảm, khi biến động giá sẽ kéo theo giá sinh hoạt tăng cao, nếu không có biện pháp ngăn chặn dễ dẫn tới đầu cơ lũng đoạn thị trường, nảy sinh những bất ổn trên thị trường nên dưới sự chỉ đạo trực tiếp của lãnh đạo Ban chỉ đạo phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại tỉnh, Chi cục QLTT tỉnh đã tập trung đề ra các giải pháp cấp bách, thắt chặt khâu kiểm tra, tập trung vào kiểm soát giá cả, đo lường, chất lượng, ngăn chặn đầu cơ, găm hàng và các hành vi gian lận thương mại khác tại tất cả 154 điểm kinh doanh xăng dầu trên địa bàn. Qua đó chi cục đã chấn chỉnh các điểm kinh doanh xăng dầu bảo đảm mở cửa bán hàng đủ thời gian, đủ số lượng, chủng loại và chất lượng đáp ứng kịp thời nhu cầu xăng dầu của nhân dân và sản xuất, không để xảy ra gian lận, móc túi khách hàng. Cùng với quản lý kinh doanh các mặt hàng đặc biệt, Chi cục xác định chống buôn lậu gian lận thương mại, chống hàng kém chất lượng, hàng giả cũng là một biện pháp tích cực để thực hiện Nghị quyết 11. Theo đó các đội QLTT đã nhanh chóng triển khai kiểm tra các nhà phân phối, tổng đại lý đóng trên địa bàn nhằm phát hiện các hành vi đầu cơ găm hàng nâng giá bất hợp lý, các hành vi kinh doanh không đúng, không đầy đủ các điều kiện trong kinh doanh, kinh doanh không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, hành vi gian lận trong đo lường. Trước tình hình vận chuyển, buôn bán hàng cấm hàng nhập lậu trên thị trường diễn biến phức tạp, Chi cục QLTT tỉnh thường xuyên phối hợp chặt chẽ với phòng PC46 Công an tỉnh, cảnh sát giao thông, đồng thời cử cán bộ trinh sát nắm tình hình, quy luật hoạt động của các đầu nậu, kiểm tra trọng tâm, trọng điểm các nơi thường tập kết hàng nhằm phát hiện và triệt phá các ổ nhóm, tụ điểm buôn lậu. Nhờ vậy chất lượng, hiệu quả hoạt động QLTT tăng lên rõ rệt. Chỉ trong nửa đầu của năm nay, kết quả phát hiện, xử lý các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại của chi cục QLTT Hưng Yên đã cao hơn cả năm 2010. Trong 5 tháng đầu năm, chi cục đã kiểm tra 466 vụ, xử lý 88 vụ vi phạm gồm: 23 vụ buôn bán hàng cấm, hàng lậu; 20 vụ kinh doanh trái phép; 27 vụ vi phạm về giá; 4 vụ vi phạm về nhãn hàng hoá; 1 vụ vi phạm đo lường; 1 vụ vi phạm về chất lượng và 12 vụ vi phạm khác. Tổng số tiền nộp ngân sách nhà nước 330,95 triệu đồng, trong đó 117,4 triệu đồng phạt vi phạm hành chính; 213,55 triệu đồng phát mại hàng tịch thu. Giá trị hàng tiêu huỷ 102,85 triệu đồng. Dự kiến 6 tháng đầu năm, tổng số tiền nộp ngân sách nhà nước khoảng 700 triệu đồng gồm: 150 triệu đồng phạt vi phạm hành chính; 550 triệu đồng phát mại hàng tịch thu. Kết quả này giảm thiểu các hoạt động gian lận thương mại, đầu cơ, tăng giá bất hợp lý gây thiệt hại cho người tiêu dùng, sản xuất góp phần quan trọng vào sự ổn định, lành mạnh của thị trường trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua. Để tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo đảm lành mạnh hoá và ổn định thị trường góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết 11, lực lượng QLTT tỉnh tập trung đấu tranh có hiệu quả trong lĩnh vực sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm sở hữu trí tuệ, vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong thực hiện kiểm tra, kiểm soát địa bàn, chi cục gắn với việc phân công, đề cao trách nhiệm của các đội QLTT, cán bộ công chức được phân công quản lý địa bàn để chống buôn lậu và gian lận thương mại đạt hiệu quả cao. Tuy nhiên ngoài nỗ lực của lực lượng QLTT cần có sự vào cuộc của các cấp chính quyền cơ sở, ngành hữu quan để tiến hành tuyên truyền vận động nhân dân và các doanh nghiệp chấp hành tốt các quy định pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Có như vậy việc thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ mới đạt được kết quả như mong muốn. Theo baohungyen.vn
Tuyên truyền, phát động phong trào “Nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân huỷ”
Phát động cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật năm 2022” trên địa bàn tỉnh Hưng Yên tại Sở Công Thương