Đẩy mạnh hoạt động khuyến công thiết thực, hiệu quả hơn

Những năm qua, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh (Đơn vị trực thuộc Sở Công Thương) tích cực thực hiện sự chỉ đạo của Sở Công thương đẩy mạnh công tác khuyến công theo định hướng hướng về cơ sở, hỗ trợ trực tiếp, có địa chỉ với nhiều hình thức đa dạng. Các chương trình/đề án khuyến công được thực theo đúng các văn bản quy định về hoạt động khuyến công và sự chỉ đạo sát sao của Sở Công thương, Cục Công nghiệp địa phương - Bộ Công thương, vì vậy hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh vì thế ngày càng thiết thực hiệu quả hơn.

Theo giới thiệu của Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (KC&XTTM) tỉnh, chúng tôi đến thăm mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và tiến bộ khoa học kỹ thuật tại công ty cổ phần Đức Minh (Văn Lâm). Tuy tình hình kinh tế khó khăn, hoạt động sản xuất ở công ty Đức Minh những ngày này vẫn sôi động trong tiếng máy ầm ì và những chiếc xe tải vào, ra ăn hàng. Anh Trần Quang Kỳ, Chủ tịch HĐQT - Giám đốc công ty cổ phần Đức Minh cho biết: Ngay năm đầu hoạt động, công ty đã được Trung tâm KC&XTTM tỉnh hỗ trợ 250 triệu đồng để ứng dụng tiến bộ khoa học vào dây chuyền sản xuất thức ăn chăn nuôi. “Vạn sự khởi đầu nan” nên sự hỗ trợ của Trung tâm với công ty có ý nghĩa quan trọng, động viên lãnh đạo công ty mạnh dạn đầu tư áp dụng công nghệ dây chuyền sản xuất thức ăn chăn nuôi khép kín có tính tự động hóa cao, giảm thiểu phát thải gây ô nhiễm môi trường và tiết kiệm điện. Để chúng tôi “Đích mục sở thị”, anh Kỳ thân chinh đưa khách đi thăm xưởng sản xuất. Thật lạ là ngay cả khi vào hẳn nơi sản xuất chính, chúng tôi vẫn không gửi thấy mùi ngô, đỗ tương, khô đậu… nồng nặc như thường gặp ở những doanh nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi. Trong dây chuyền chế biến thức ăn chăn nuôi, khu vực nạp nguyên liệu được trang bị thêm hệ thống túi vải làm lắng, lọc thu giữ gần như toàn bộ bột ngô, đỗ tương, khô đậu… không còn phát tán vào không khí gây ô nhiễm môi trường sản xuất và xung quanh nhà máy đồng thời giảm thiểu lượng nguyên liệu bị hao hụt trong quá trình chế biến. Nhờ ứng dụng công nghệ tự động vào vận hành, điều khiển toàn bộ hoạt động của dây chuyền, công ty tiết kiệm được 10% chi phí điện năng trong quá trình sản xuất, nâng cao tính đồng đều của các nguyên liệu khi phối trộn, chế biến, nhất là những chất có hàm lượng nhỏ. Sản phẩm thức ăn chăn nuôi của công ty vừa nâng cao được chất lượng vừa giảm được giá thành tạo nên sức cạnh tranh vượt trội so với những sản phẩm cùng loại trên thị trường. Do đó tuy tình hình kinh tế khó khăn, công ty vẫn tiêu thụ tốt sản phẩm, duy trì sản xuất phát triển ổn định, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 70 lao động, trong đó 90% là người tại địa phương.  

Như công ty cổ phần Đức Minh, những năm qua nhiều doanh nghiệp nông thôn khác cũng được Trung tâm KC&XTTM tỉnh hỗ trợ tích cực, đạt hiệu quả cao. Đồng chí Vũ Cảnh Hưng, Giám đốc Trung tâm KC&XTTM tỉnh cho biết: Công tác khuyến công tỉnh luôn đồng hành, hỗ trợ về kinh phí, kỹ thuật sản xuất cho các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn. Các chương trình, đề án khuyến công triển khai trên địa bàn tỉnh đều có sự phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp để bảo đảm đáp ứng trúng nhu cầu thực tế, mang lại hiệu quả cao. Nhất là vài năm gần đây, trước tình hình nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng của suy giảm kinh tế, Trung tâm KC&XTTM tỉnh đã tích cực thực hiện chỉ đạo của Sở Công Thương, kịp thời nắm bắt tình hình sản xuất - kinh doanh của doanh nhiệp, từ đó đề xuất và triển khai thực hiện các hoạt động khuyến công phù hợp với thực tế, thiết thực hỗ trợ nhiều doanh nghiệp.

Ý thức được vai trò quan trọng của nguồn nhân lực trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, hàng năm, trung tâm KC&XTTM tỉnh tổ chức các lớp đào tạo nghề trực tiếp cho lao động tại các làng nghề, các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn. Riêng năm 2013, Trung tâm KC&XTTM tỉnh đã hỗ trợ các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn kinh phí từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương để các cơ sở tổ chức mở 7 lớp đào tạo nghề may công nghiệp, làm hương xuất khẩu cho 245 lao động và từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia tổ chức dạy nghề may công nghiệp cho 700 lao động tại 6 doanh nghiệp và đào tạo nghề sản xuất hàng da cho 140 lao động. Với hình thức hỗ trợ dạy nghề từ kinh phí khuyến công là đào tạo có địa chỉ gắn với sản xuất của doanh nghiệp, chương trình đào tạo (gồm lý thuyết và thực hành) được xây dựng trên cơ sở nhu cầu đào tạo thực tế tại doanh nghiệp. Do đó 100% các học viên sau khi được đào tạo thành nghề đều có thể tham gia vào sản xuất tại doanh nghiệp, làm được các sản phẩm đáp ứng được yêu cầu của thị trường, nâng cao thu nhập. Đây là hình thức hỗ trợ thiết thực và  hiệu quả của hoạt động khuyến công. Các lao động sau khi được đào tạo sẽ bổ sung ngay vào lực lượng lao động địa phương, qua đó làm giảm nguy cơ thiếu hụt và nâng cao chất lượng nguồn lao động, góp phần làm tăng thu nhập, cải thiện đời sống của lao động nông thôn.

Bên cạnh đó, trung tâm KC&XTTM tỉnh cũng tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực quản lý cho các chủ doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn, giúp các chủ doanh nghiệp nâng cao năng lực quản lý, nâng cao kiến thức về hội nhập kinh tế và khả năng liên doanh, liên kết để nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp và sản phẩm. Nổi bật là hoạt động hỗ trợ chuyển giao, ứng dụng máy móc thiết bị hiện đại vào sản xuất, giúp các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nâng cao hiệu quả sản xuất cho doanh nghiệp

Để tiếp tục đẩy mạnh hoạt động khuyến công ngày càng thiết thực, hiệu quả hơn hơn, theo lãnh đạo Trung tâm KC&XTTM tỉnh việc xây dựng, thực hiện các chương trình, đề án khuyến công trong những năm tới sẽ tập trung có trọng tâm, trọng điểm hơn hướng tới mục tiêu khuyến khích, hỗ trợ thúc đẩy phát triển công nghiệp, TTCN ở khu vực nông thôn nhanh và bền vững, tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập, bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới. Năm 2014, Trung tâm sẽ tập trung kinh phí hỗ trợ cho những đề án có quy mô, hiệu quả kinh tế cao, tạo được nhiều việc làm cho người lao động, đặc biệt là các lao động tại nông thôn. Các đề án đào tạo nghề, xây dựng mô hình trình diễn sẽ tiếp tục được đẩy mạnh ở các doanh nghiệp nhỏ và vừa khu vực nông thôn. Dự kiến trong năm 2014 Trung tâm sẽ tiếp tục hỗ trợ kinh phí từ hai nguồn kinh phí khuyến công quốc gia và kinh phí khuyến công địa phương để tổ chức các lớp đào tạo nghề, truyền nghề như: Nghề may công nghiệp, chế biến rau quả, thực phẩm xuất khẩu, gỗ mỹ nghệ, mộc dân dụng…; Hỗ trợ chuyển giao, ứng dụng máy móc tiên tiến hiện đại vào sản xuất công nghiệp cho 3 doanh nghiệp và xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất tấm bê tông gạch tự chèn cho 1 doanh nghiệp; Hỗ trợ khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư chiều sâu áp dụng máy móc tiên tiến hiện đại vào sản xuất Kẽm góp phần giảm tiêu hao nguyên liệu trong sản xuất, giảm bớt công đoạn thủ công  nâng cao năng suất…

Song hoạt động khuyến công vẫn đang gặp khó khăn do nhận thức của không ít địa phương, các cơ sở, doanh nghiệp về hoạt động khuyến công còn chưa đầy đủ, định mức hỗ trợ còn thấp dẫn tới sự hưởng ứng và cộng tác của các đơn vị còn hạn chế. Nhất là trình độ quản lý của nhiều chủ doanh nghiệp còn hạn chế, thiếu chủ động tiếp cận các hoạt động khuyến công, không tích cực trong việc nghiên cứu xây dựng đề án. Việc tháo gỡ những khó khăn này đang rất cần sự quan tâm, góp sức từ nhiều nguồn lực để hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh ngày càng hiệu quả, thiết thực hơn nữa, thực sự là đòn bẩy thúc đẩy công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển./.

VP