Luật số 02/2016/QH14 ngày 18/11/2016 của Quốc hội khóa XIV về tín ngưỡng, tôn giáo.

Đăng ngày 19 - 04 - 2017
100%

Luật số 02/2016/QH14 ngày 18/11/2016 của Quốc hội khóa XIV về tín ngưỡng, tôn giáo.

Luật Tín ngưỡng, tôn giáo gồm 9 chương, 68 điều quy định về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo; tổ chức tôn giáo; quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo.

Đối tượng áp dụng của Luật là các tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm và thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.

Luật quy định rõ những hành vi bị nghiêm cấm trong đó có quy định nghiêm cấm phân biệt đối xử, kỳ thị vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo; ép buộc hoặc cản trở người khác theo hoặc không theo tín ngưỡng, tôn giáo; xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo của người khác; lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo để trục lợi; các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo xâm phạm quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia, trật tự, an toàn công cộng, môi trường, xâm hại đạo đức xã hội, sức khỏe, tính mạng, nhân phẩm, danh dự, tài sản của người khác, cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân…

Quốc hội cũng đồng ý giữ nguyên quy định về điều kiện thời gian để công nhận tổ chức tôn giáo là 5 năm. Theo đó, các tổ chức tôn giáo sẽ được công nhận khi hoạt động ổn định, liên tục từ đủ 05 năm trở lên kể từ ngày được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo.

Đối với việc bảo đảm quyền quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người, Luật khẳng định: Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người; bảo đảm để các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật; nhà nước tôn trọng, bảo vệ giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tín ngưỡng, tôn giáo, truyền thống thờ cúng tổ tiên, tôn vinh những người có công với nước, với cộng đồng đáp ứng nhu cầu tinh thần của nhân dân; nhà nước bảo hộ cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo và tài sản hợp pháp của cơ sở tín ngưỡng và các tổ chức tôn giáo.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có trách nhiệm tập hợp đồng bào theo tín ngưỡng, tôn giáo và đồng bào không theo tín ngưỡng, tôn giáo xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; phản ánh kịp thời ý kiến, nguyện vọng, kiến nghị của nhân dân về các vấn đề có liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền; tham gia xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo; giám sát hoạt động của cơ quan, tổ chức, đại biểu dân cử và cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo…

Bên cạnh đó, các quy định về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; hoạt động tín ngưỡng; đăng ký sinh hoạt tôn giáo, sinh hoạt tôn giáo tập trung; trình tự, thủ tục, thẩm quyền công nhận tổ chức tôn giáo … cũng được quy định rất đầy đủ, cụ thể tại Luật Tín ngưỡng tôn giáo.

Luật Tín ngưỡng, tôn giáo sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018.

Theo đó, Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo số 21/2004/UBTVQH11 sẽ hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.02_2016_QH14.pdf

Tin mới nhất

Công ước chống tra tấn và pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn(05/04/2024 10:24 CH)

Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 2024(05/04/2024 1:39 CH)

Các Luật, Nghị quyết được Quốc hội Khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 6, Kỳ họp bất thường lần thứ 5(26/03/2024 8:15 CH)

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính cấp phiếu lý lịch tư pháp tạo thuận lợi cho người dân, doanh...(04/03/2024 9:22 SA)

Một số điểm mới của Luật Giao dịch điện tử năm 2023(23/02/2024 9:13 SA)

Tìm hiểu Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017(16/01/2024 9:10 SA)

°
132 người đang online