Hoạt động khuyến công: "Đòn bẩy" thúc đẩy phát triển công nghiệp nông thôn

Đăng ngày 25 - 12 - 2012
100%

Năm 2012, kinh tế trong nước suy giảm, chính sách thắt chặt tiền tệ kiềm chế lạm phát khiến các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh đã có nhiều hoạt động đa dạng, thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn đứng vững trước những thử thách lớn.

Toàn tỉnh hiện có gần 2,9 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh. Do giá cả hàng hóa biến động theo chiều hướng tăng, nhất là các loại nguyên, nhiên liệu đầu vào cho sản xuất công nghiệp; lãi suất ngân hàng còn ở mức cao; sức mua giảm sút, thị trường tiêu thụ của nhiều loại hàng hóa bị thu hẹp; tỷ lệ tồn kho còn lớn, các doanh nghiệp hoạt động trong tình thế rất khó khăn. Nhiều doanh nghiệp có nguy cơ bị giải thể, phá sản hoặc phải giảm nhân công, thu hẹp sản xuất. Để giúp các doanh nghiệp tồn tại và đứng vững trong tình hình khó khăn, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh tích cực thực hiện chỉ đạo của Sở Công Thương thường xuyên, kịp thời nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, để đề xuất và triển khai thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp.

Một trong những thành công đáng kể nhất là năm qua hoạt động khuyến công đã đóng góp vào việc hỗ trợ tích cực các cơ sở công nghiệp nông thôn vượt khó để tiếp tục phát triển. Từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương, trung tâm đã dành khoảng 800 triệu đồng tổ chức nhiều hoạt động thiết thực như: Hỗ trợ kinh phí cho các doanh nghiệp công nghiệp nông thôn tổ chức mở 18 lớp đào tạo, truyền nghề may công nghiệp, chế biến rau quả xuất khẩu, mây tre đan xuất khẩu cho 675 lao động tại các địa phương; tổ chức tham gia và hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn tham gia Hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Bắc tổ chức tại tỉnh Hà Nam, Bắc Ninh và Hội chợ triển lãm tại tỉnh Quảng Trị; tổ chức bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh và cấp khu vực; phối hợp tổ chức 1 lớp tập huấn “Nâng cao kỹ năng quản trị doanh nghiệp cho các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn; hỗ trợ 2 cơ sở công nghiệp nông thôn học tập trao đổi kinh nghiệm về nghề chạm bạc và đúc đồng tại các tỉnh bạn; Hỗ trợ 1 cơ sở chuyển giao công nghệ, ứng dụng máy móc hiện đại vào sản xuất… Bên cạnh đó, trung tâm hỗ trợ 610 triệu đồng kinh phí khuyến công quốc gia để tổ chức 6 lớp đào tạo nghề may công nghiệp cho 200 lao động và 1 mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất chế biến thức ăn chăn nuôi. Ngoài ra, trung tâm còn phối hợp thực hiện các chương trình thông tin tuyên truyền, mua sắm trang thiết bị phục vụ hoạt động khuyến công, thực hiện công tác kiểm tra giám sát thường xuyên, định kỳ nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến công. Hoạt động đào tạo nghề, truyền nghề và phát triển nghề đã ổn định và tạo việc làm cho hàng nghìn lao động. Phần lớn học viên sau đào tạo đều có việc làm với thu nhập khá ổn định. Điều đó đã tạo niềm tin cho  doanh nghiệp, người dân đối với hoạt động khuyến công. Anh Nguyễn Quang Kỳ, Giám đốc Công ty cổ phần Đức Minh (xã Chỉ Đạo, Văn Lâm) hồ hởi cho biết: Công ty vừa được Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh hỗ trợ 250 triệu đồng để đầu tư, lắp đặt dây chuyền hiện đại sản xuất chế biến thức ăn chăn nuôi. Dây chuyền sản xuất này khi đi vào hoạt động không chỉ mở rộng quy mô, nâng cao năng lực sản xuất của công ty mà còn khẳng định hơn nữa vị thế, thương hiệu sản phẩm của công ty trong lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm.


Có thể nói, hoạt động khuyến công đã mang lại hiệu quả kinh tế xã hội đáng kể, thúc đẩy công nghiệp nông thôn phát triển, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế-lao động ở nông thôn theo hướng công nghiệp hóa; tạo việc làm, thu nhập, đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo và phát triển đời sống văn hóa- xã hội ở nông thôn. Nhiều doanh nghiệp và cơ sở công nghiệp nông thôn được nâng cao năng lực quản lý, bổ sung thêm kiến thức. Hoạt động đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức đã góp phần nâng cao năng lực và nhận thức cho cán bộ quản lý, chủ doanh nghiệp và chủ cơ sở sản xuất TTCN, củng cố doanh nghiệp hiện có, phát triển doanh nghiệp mới. Các hoạt động khuyến công thực sự góp phần giúp các doanh nghiệp quảng bá giới thiệu sản phẩm, hỗ trợ tư vấn đầu tư, chuyển giao công nghệ, đổi mới kỹ thuật, xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật để phổ biến, nhân rộng. Công tác thông tin tuyên truyền đã góp phần quảng bá thành tựu phát triển kinh tế-xã hội, phát triển công nghiệp Hưng Yên trong và ngoài tỉnh, nâng cao nhận thức, động viên khuyến khích doanh nghiệp công nghiệp.


Công tác khuyến công ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong việc góp phần phát triển công nghiệp địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho các ban ngành nắm bắt các thông tin về doanh nghiệp từ cơ sở, từ đó có giải pháp hỗ trợ thiết thực và hiệu quả hơn đối với doanh nghiệp cũng như trong công tác khảo sát lập đề án. Tuy nhiên vẫn còn một số khó khăn vướng mắc như: Trình độ quản lý của không ít chủ doanh nghiệp và cán bộ nghiệp vụ còn hạn chế, thiếu chủ động tiếp cận các hoạt động khuyến công, thiếu chủ động nghiên cứu xây dựng đề án. Việc phối hợp với Phòng Công thương/kinh tế các huyện, thành phố để nắm bắt và hướng dẫn lập đề án khuyến công còn hạn chế. Kinh phí khuyến công địa phương đạt thấp do số lượng đề án còn ít, định mức hỗ trợ cho nội dung đào tạo nghề, truyền nghề và phát triển nghề còn thấp. Việc xem xét đề án từ cơ sở và việc thẩm định, phê duyệt còn chậm, quy định về thủ tục hồ sơ còn nhiều, mức hỗ trợ thấp nên không hấp dẫn đối với nhiều cơ sở. Một số nội dung của hoạt động khuyến công chưa được triển khai thực hiện như: hướng dẫn, hỗ trợ tổ chức, cá nhân khởi sự doanh nghiệp tìm kiếm mặt bằng sản xuất, huy động vốn, xin ưu đãi đầu tư; tư vấn cho cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn đầu tư xây dựng dây chuyền sản xuất mới, mở rộng quy mô sản xuất, đổi mới và ứng dụng tiến bộ khoa học-công nghệ. Hầu hết các quy mô của mỗi chương trình/đề án khuyến công nhỏ, chưa có dự án thể hiện rõ nét tính liên kết vùng, khu vực và quốc gia hoặc chưa thể hiện được sự hỗ trợ thúc đẩy cho một loại sản phẩm công nghiệp mũi nhọn nào đó.

Mô hình trình diễn kỹ thuật do Trung tâm khuyến công và xúc tiến thương mại tỉnh hỗ trợ thực hiện tại Công ty cổ phần Đức Minh. Ảnh: Mai Nhung


Theo Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Vũ Cảnh Hưng, những tồn tại này còn tiếp diễn bởi một số bất cập. Hiện tại do chưa có cán bộ khuyến công ở cấp huyện, xã, nên việc nắm bắt nhu cầu của cơ sở và việc triển khai thực hiện gặp nhiều khó khăn. Nhận thức của các địa phương, các cơ sở, các doanh nghiệp về hoạt động khuyến công còn chưa đầy đủ dẫn tới sự hưởng ứng và cộng tác của các đơn vị còn hạn chế. Nhiều nội dung khuyến công chưa được các cơ sở công nghiệp nông thôn tham gia hưởng ứng như: xây dựng thương hiệu, xây dựng tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm... vì hầu hết các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn còn nhỏ lẻ, chưa thực sự có nhu cầu. Kinh phí khuyến công hỗ trợ ít, chưa hấp dẫn dẫn tới sự hưởng ứng của các doanh nghiệp trong tỉnh không nhiều. Việc tháo gỡ những khó khăn này đang rất cần sự chung tay góp sức từ nhiều nguồn lực để hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh sẽ ngày càng hiệu quả, thiết thực hơn nữa, thực sự là đòn bẩy thúc đẩy công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển.

Tin mới nhất

Mời tham gia Hội chợ Công Thương vùng Đồng bằng Sông Hồng - Hưng Yên năm 2022(31/10/2022 1:04 CH)

Tổ chức lớp tập huấn Ứng dụng công nghệ 4.0 trong việc nâng cao chất lượng hoạt động thương...(09/01/2019 8:36 SA)

Hưng Yên: Giới thiệu mô hình trình diễn kỹ thuật chế biến gạo chất lượng cao (giai đoạn 1)(09/12/2018 6:13 SA)

Tổ chức khóa đào tạo, tập huấn ngắn hạn về kỹ năng kinh doanh, tổ chức mạng lưới bán lẻ trên địa...(30/10/2018 10:46 SA)

Thông báo khóa đào tạo, tập huấn ngắn hạn về Kỹ năng kinh doanh, tổ chức mạng lưới bán lẻ tại...(24/10/2018 1:12 CH)

Trung tâm khuyến công và XTTM(20/06/2018 2:53 CH)

°
54 người đang online