Muốn phát triển bền vững, cần bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng

Đăng ngày 25 - 07 - 2011
100%

Thống kê của Bộ Công Thương, cả nước hiện có khoảng 400 siêu thị, chiếm 18-20% thị phần bán lẻ trong nước, dự đoán đến năm 2020 hệ thống siêu thị sẽ chiếm khoảng 35-40% thị phần bán lẻ tại Việt Nam.

Theo quan sát của phóng viên, hoạt động kinh doanh ở các siêu thị hiện nay đã bắt đầu thu hút sự quan tâm của khách hàng, bằng chứng là thói quen mua sắm tại các siêu thị, trung tâm thương mại lớn đã xuất hiện ở một bộ phận người dân.

 

Tuy nhiên, theo đánh giá của một số chuyên gia, hoạt động kinh doanh tại các siêu thị hiện nay còn thiếu tính bền vững, vì thế để thực sự trở thành kênh mua sắm của người tiêu dùng trong tương lai, rất cần sự đổi mới về chất lượng sản phẩm và phong cách phục vụ.
Phát triển thiếu tính bền vững
Chia sẻ tại một hội thảo vừa diễn ra gần đây, ông Lê Danh Vĩnh - Thứ trưởng thường trực Bộ Công Thương cho biết: Tình hình phát triển của hệ thống bán lẻ tại Việt Nam thời gian qua còn chưa thực sự bền vững. Tình trạng khách hàng tố cáo mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng,… tại một số siêu thị, cũng như bày tỏ thái độ chưa hài lòng về chính sách chăm sóc khách hàng tại các siêu thị vẫn còn khá phổ biến.
Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cũng thẳng thắn thừa nhận: Các siêu thị hiện nay phát triển thiếu tính bền vững và chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng. Điều này được thể hiện rõ thông qua các hoạt động quản lý chất lượng, các chương trình khuyến mại diễn ra tại các siêu thị. Một số siêu thị còn coi các chương trình khuyến mại là cách để “đẩy” số hàng tồn kho, kém chất lượng ra khỏi hệ thống siêu thị.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng cho rằng: Vấn đề lo lắng của người tiêu dùng hiện nay là vấn đề vệ sinh, an toàn thực phẩm. Và họ nghĩ rằng, bỏ thêm một ít tiền để vào các siêu thị hiện đại mua sắm thì sẽ được an toàn hơn. Song trên thực tế, nhiều người tiêu dùng vẫn thất vọng khi kết quả kiểm tra của các cơ quan chức năng đối với một số siêu thị đã phát hiện hàng loạt trái cây, sữa chua nếp cẩm, cá basa,… không đảm bảo chất lượng vệ sinh.
Đó cũng chính là điểm yếu, dẫn đến sự phát triển thiếu tính bền vững của hệ thống siêu thị hiện nay.
Muốn phát triển bền vững, cần bảo vệ người tiêu dùng
Thứ trưởng Lê Danh Vĩnh cho biết, hệ thống bán lẻ hiện đại, trong đó tiêu biểu là các siêu thị, có vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy công tác bảo vệ người tiêu dùng. Mà bảo vệ người tiêu dùng là tiền đề cơ bản để siêu thị và các doanh nghiệp bán lẻ mở rộng và phát triển. Thực hiện tốt công tác bảo vệ người tiêu dùng tại các siêu thị cũng là bước quan trọng đưa Luật Bảo vệ người tiêu dùng vào cuộc sống, đồng thời, thể hiện sự ưu việt của hình thức bán lẻ hiện đại so với các hình thức bán lẻ truyền thống khác.
Còn theo ông Phú, các siêu thị cần phải xây dựng hình ảnh của mình trên thị trường bằng cách lấy mục tiêu bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng lên trên hết để tồn tại và phát triển một cách bền vững. Mà theo ông Phú, cách tốt nhất các siêu thị nên áp dụng đó là cung cấp đến người tiêu dùng những sản phẩm, dịch vụ có chất lượng, để họ cảm thấy hài lòng và yên tâm khi sử dụng những dịch vụ đó. Ngoài ra, ông Phú cũng cho rằng, Nhà nước cần nhanh chóng phê duyệt quy hoạch phát triển hệ thống phân phối quốc gia, làm cơ sở cho việc đầu tư phát triển thương mại bán lẻ văn minh trên toàn quốc, có như vậy thì hệ thống bán lẻ hiện đại mới phát triển bền vững và trở thành địa chỉ tin cậy của người tiêu dùng trong tương lai.
Về phía các cơ quan chức năng, cần có một cuộc tổng điều tra, rà soát chấn chỉnh hoạt động của các siêu thị trên từng địa bàn, nhằm bảo vệ những siêu thị đạt chuẩn, làm ăn nghiêm túc và đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng… Đây cũng là biện pháp hành chính buộc các siêu thị phải làm tốt công tác kiểm soát hàng hóa đầu vào, chống gian lận thương mại
Qua đó có thể thấy, người tiêu dùng chính là một mắt xích quan trọng giúp hoạt động kinh doanh tại các siêu thị phát triển bền vững, vì vậy để người tiêu dùng tin tưởng vào hệ thống phân phối này, các siêu thị cần quan tâm đến việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng./.

 

Tin mới nhất

Bảo vệ người tiêu dùng trên không gian mạng(22/03/2024 7:54 CH)

Phát động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2024(15/03/2024 9:50 SA)

Tuyên truyền, phổ biến pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và giới thiệu sản phẩm hàng hoá...(04/10/2023 7:24 SA)

Bộ Công Thương triển khai 4 giải pháp chính trong thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng(17/07/2023 3:25 CH)

Hôm nay (17/7), công bố Lệnh của Chủ tịch nước về Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng(17/07/2023 3:18 CH)

Phê duyệt Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử(30/03/2023 8:41 SA)

°
40 người đang online